Vấn đề quan tâm

Bài 1: Bus nhanh BRT và bài toán giao thông của Hà Nội

Nhóm PV 13/05/2024 19:00

Sử dụng làn đường riêng, phục vụ riêng cho xe bus BRT để nâng cao khả năng phát triển vận tải hành khách công cộng đã được Hà Nội áp dụng và coi đó là giải pháp căn cơ và bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sau gần 8 năm hoạt động, sự thiếu kết nối trong quy hoạch là một trong những nguyên nhân khiến tuyến bus nhanh BRT 01 có lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã không đạt hiệu quả, tương xứng với số tiền Nhà nước đã bỏ ra.

sua-anh-1.png
1.png
3.png

Thủ đô Hà Nội đóng vai trò quan trọng như một trung tâm giao thông chủ chốt của cả quốc gia và vùng châu thổ sông Hồng với một lịch sử phát triển kéo dài hàng ngàn năm. Kể từ khi hòa bình được thiết lập vào năm 1954, thành phố đã trải qua bốn lần điều chỉnh địa giới với sự biến động về dân số và quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt nhiều lần, trong đó có kế hoạch và hướng phát triển về giao thông vận tải. Điều này đặt ra một thách thức không ngừng đối với sự phát triển và quản lý toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông.

Hàng năm, số phương tiện tại Hà Nội tăng khoảng 390.000 phương tiện, mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện, mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện. Hiện Hà Nội có khoảng hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm khoảng hơn 6 triệu xe máy, hơn 1 triệu ô tô các loại, chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện đến từ các địa phương lân cận.

qufqwfqfqw.jpg
Ùn tắc giao thông đến nay vẫn là một vấn đề nhức nhối của TP Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội tồn tại nhiều vấn đề: nhiều tuyến đường vẫn chưa được đầu tư và hoàn thiện theo quy hoạch; ùn tắc giao thông là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở các khu vực nội đô trong giờ cao điểm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, việc áp dụng công nghệ trong quản lý và bảo trì hệ thống giao thông đô thị chậm và thiếu sự đồng bộ; ý thức tuân thủ pháp luật và bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp còn hạn chế.

Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm. Cùng với đó, về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Về thời gian đi lại của người dân, ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm, số lượng người tăng nhanh chóng đã đặt Hà Nội vào bài toán giao thông ngày càng khó giải quyết.

udwfwf.jpg
Lượng phương tiện giao thông tăng lên mỗi ngày gây thêm áp lực đối với hệ thống hạ tầng giao thông của TP Hà Nội.

Đứng trước thực trạng như vậy, nhiều năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tại Hà Nội đã được tính toán đầu tư nhằm góp phần tăng cường khả năng vận chuyển trong Thủ đô theo hướng hiện đại và tiện nghi. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đô thị tại Hà Nội vẫn còn đó nhiều vấn đề, đặc biệt là sự tăng đột biến của lưu lượng phương tiện qua mỗi năm mà chưa có giải pháp giải quyết hữu hiệu.

so-do-brt-01.jpg
Sơ đồ hướng tuyến BRT01.

Gần 8 năm trước, Dự án tuyến bus nhanh BRT01 có lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã (BRT 01) với tổng vốn đầu tư lên tới 1.100 tỷ đồng triển khai được kỳ vọng sẽ làm giảm và hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của Thành phố; đáp ứng khao khát của người dân được thụ hưởng được một lộ trình giao thông có thể thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận đối với xe bus xưa nay.

7.png
Điểm đón trả khách tại số 01 Kim Mã của tuyến xe bus nhanh BRT01.
8.png
Bến xe Yên Nghĩa là điểm đầu của tuyến xe bus nhanh BRT01.

Tuy nhiên, sau thời gian vận hành, BRT 01 gây thất vọng khi chưa đáp ứng được kỳ vọng ở cả ba tiêu chí: chưa thu hút được người dân, không thúc đẩy giao thông công cộng và không làm giảm được ùn tắc giao thông.

thiet-ke-chua-co-ten.png
Tuyến BRT01 dường như chưa thu hút được số lượng hành khách như kì vọng ban đầu.

Tuyến xe bus nhanh BRT 01 có lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã đúng ra khi đầu tư phải rất đồng bộ, có sự kết nối chặt chẽ trong tổng thể các tuyến BRT khác và với xe bus thường và đường sắt đô thị. Ban đầu, TP Hà Nội đã quy hoạch triển khai 8 tuyến xe bus nhanh nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất tuyến BRT 01 được triển khai xây dựng. Tuyến này đã hoạt động “đơn độc” trong nhiều năm nhưng chưa có sự liên kết cao với các tuyến xe bus truyền thống khác.

4.png

Đến nay nói về tuyến bus nhanh BRT, phía Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vẫn lạc quan với các con số: sau 7 năm hoạt động đã thực hiện hơn 853.000 lượt xe với 13,4 triệu km, vận chuyển hơn 92 triệu hành khách; sản lượng hành khách vận chuyển có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước; tuyến BRT có sản lượng hành khách đông nhất toàn mạng lưới các tuyến bus (sản lượng hành khách chiếm 2,3% tổng sản lượng hành khách vận chuyển toàn mạng lưới).

su-nua-voi-3-.png
Một bức tranh chưa đẹp của BRT01 với sự vắng vẻ trên xe và sự chậm chạp, ùn tắc của các phương tiện lấn vào làn BRT.

Thế nhưng sau 8 năm đưa vào hoạt động, tính hiệu quả của dự án tuyến bus nhanh BRT 01 vẫn không ngừng bị đưa ra mổ xẻ, đánh giá. Gần đây vào ngày 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 đã khảo sát thực tế về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở Hà Nội trong đó có tuyến bus nhanh BRT bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa.

pnvn.jpg
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát thực tế về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt tuyến bus nhanh BRT bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa.

Sau khảo sát, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND TP Hà Nội và có những trao đổi, đánh giá rất đáng chú ý về dự án bus nhanh BRT.

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, đặt vấn đề liệu Hà Nội có nên tiếp tục xây dựng các tuyến BRT còn lại theo quy hoạch hay không trong bối cảnh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều?

Trả lời vấn đề này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung Thủ đô. 4 tuyến được bổ sung nâng tổng số tuyến đường sắt đô thị của thành phố lên 14, tổng chiều dài 550 km. Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là xương sống của giao thông đô thị, kết nối đường bộ, đường không và tương lai cả đường thủy.

ueewgewge.jpg
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Tuấn cho hay BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Theo quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016, thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Nhưng tuyến BRT01 tỏ ra rất hạn chế vì lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương làm đường ưu tiên. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Với những đánh giá và đề xuất nói trên của lãnh đạo UBND TP Hà Nội khiến người dân cho rằng phải chăng đây là dấu hiệu của việc kết thúc thí điểm tuyến BRT ở Hà Nội? Theo người dân, việc đầu tư, khai thác một tuyến bus nhanh mà không làm đến nơi đến chốn những vấn đề cốt yếu như đảm bảo làn đường riêng; bố trí chỗ gửi xe cá nhân cho hành khách; thu ngắn khoảng cách giữa nhà chờ xe bus nhanh và xe bus thường; tuyên truyền để thu hút người sử dụng… thì bị thay thế, dừng triển khai là việc nên làm.

Nhiều chuyên gia còn chỉ ra, việc lựa chọn lộ trình đầu tư cho tuyến BRT01 từ Bến xe Yên Nghĩa đến Bến xe Kim Mã không thực sự phù hợp cho việc thí điểm. Dù hướng đi của tuyến trải qua các khu vực có mật độ dân cư cao hai bên đường lớn, có tiềm năng thu hút khách nhưng quỹ đất dành cho giao thông trên lộ trình này lại rất hạn chế, với quá nhiều điểm giao cắt. Các đặc điểm này gây ra những hạn chế cho hoạt động của BRT, khiến cho tốc độ của xe bus không đạt được như mong đợi theo thiết kế, từ đó gia tăng tình trạng ùn tắc, thậm chí làm cho tình hình ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.

Nói với PV Báo Công lý, nhiều người tham gia giao thông trên tuyến cũng bày tỏ thái độ bức xúc, không đồng tình việc chiếm dụng một phần diện tích đường để dành cho làn BRT mà lại không đạt được hiệu quả.

sss.png
Hình ảnh ùn tắc giao thông dọc tuyến BRT01, các phương tiện giao thông đã lấn chiếm toàn bộ làn đường riêng của BRT01.

Trở lại thời điểm hiện tại, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan và chuyên gia hội đồng thẩm định, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được cập nhật, hoàn chỉnh vào hồ sơ. Nhiều định hướng phát triển đã tiếp tục được bổ sung, làm rõ hơn.

Nhưng với thông tin tuyến xe bus BRT 01 sẽ được thay thế bằng một tuyến đường sắt đô thị mà lãnh đạo Hà Nội đưa ra mới đây thêm lần nữa hàng loạt câu hỏi xung quanh dự án này tiếp tục lại được đặt ra: Tài sản hạ tầng giao thông tuyến BRT hiện tại sẽ được xử lý thế nào? Có hay không việc lãng phí nguồn lực đầu tư ngay khi thực hiện dự án? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý và giám sát ở dự án nghìn tỷ này có được xem xét hay không?

5.png

*Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2: Cảm nhận BRT ‘bus nhanh’ đến thực tế ‘bus chậm’.

Thực hiện nội dung: Dương Dũng, Đức Sơn, Tuyết Nhung.

Hình ảnh, Đồ họa: Dương Dũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Bus nhanh BRT và bài toán giao thông của Hà Nội