Đất lành...chim lên bàn nhậu

Tài Đức| 02/11/2014 06:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau mùa gặt, những cánh đồng trơ gốc rạ rộng mênh mông ở nhiều vùng quê là điểm đến của các loại chim trời. Nắm được đặc điểm này, hàng trăm người dân trong vùng ra sức để bẫy, bắn chim khiến chúng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Tận diệt

Các loài chim như cò, cuốc đang là món ăn được ưa thích, nên nhiều người đổ xô đi săn bắt làm mồi nhậu, hay bán cho các thương lái kiếm lời. Người nông dân không phải là những thợ săn bắt chuyên nghiệp, nhưng chỉ cần học mẹo, hay truyền tai nhau, là họ có thể dễ dàng tạo ra vật dụng săn bắt chim trời. Tại những cách đồng lớn, họ thường dùng những chiếc lưới dài căng sẵn, rồi dùng chim mồi để gọi các chim khác bay tới sa vào lưới.

Đất lành...chim lên bàn nhậu

Chim trời bị tận diệt

Có mặt tại cánh đồng xã Hoàng Long (TP. Thanh Hóa); Hoằng Minh, Hoằng Anh, Hoằng Quang của huyện Hoằng Hóa, PV chứng kiến nhiều thợ săn không chuyên đang hì hục lội dưới những mảnh ruộng lầy bùn, giăng lưới, gỡ bắt những con cò, cuốc bị dính bẫy cho vào vợt.

Anh Nguyễn Đình Tuấn, một thợ bẫy cò trong vùng cho biết: “Sau vụ gặt, từ tháng 9 đến tháng 11 các loại cò, cuốc, sáo bay về các cánh đồng, hay bãi bồi ven sông để kiếm ăn, những người dân như chúng tôi muốn có thêm thu nhập, lại rủ nhau đặt bẫy. Việc bẫy chim cần chịu khó và kiên trì, thức đêm hôm. Cũng không vất lắm, lại có thêm thu nhập”.

Cũng theo anh Tuấn, có nhiều cách để bẫy chim, tùy theo từng loài chim mà có cách bắt phù hợp. Như loại cò thì phải giăng lưới; cuốc, chim sẻ thì phải dùng mồi nhử, hay ngỗng trời cũng vậy. Khi thấy đàn cò bay phía trên, người đặt bẫy sẽ giật dây để cho những chim mồi kêu lên thất thanh, khi thấy đồng loại như vậy, đàn cò thường bay xuống đậu, tức khắc sẽ mắc lưới.

Ban ngày là vậy, còn buổi tối thì chọn địa điểm trên cánh đồng, nơi thợ săn cảm nhận là sẽ có nhiều chim đến ngủ. Mỗi người một đầu lưới dài cả trăm mét, rộng 7, 8 mét, được buộc dây thừng để kéo rà sát mặt mặt ruộng. Người săn đi đến đâu, chim đang rúc đầu trong cánh ngủ, thấy động sẽ bay vọt lên vướng vào lưới bùng nhùng, chim càng cố bay lên, thì những sợi lưới tơ mảnh càng quấn chặt vào chân. Lúc đó, người săn chỉ cần nhẹ nhàng gỡ chim bỏ vào bao tải.

Số lượng cò bẫy được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thời tiết, hôm nào có mưa, hay trời động, là những hôm bắt sẽ bắt được nhiều. Cứ vậy, có ngày một người săn có thể bẫy được cả trăm con chứ không ít. 

Mua bán, giết thịt công khai

Tại các khu chợ huyện như thị trấn Bút Sơn, chợ Hậu Lộc, Nga Sơn có thể dễ dàng mua “đặc sản chim trời” này. Những con cò, cuốc, chim ngói, sẻ, chích… to nhỏ được phân loại, giẫy dụa kêu thảm thiết khi bị mang ra chợ nhập cho người thu mua. Khách hàng cũng có thể lựa chọn một là chim còn sống về tự làm, hoặc mua chim đã được làm sạch mang về chế biến.

Đất lành...chim lên bàn nhậu

Chim trời bị giết thịt không thương tiếc

Theo giá bán tại chợ, thì loại cò to là 50.000 đồng/đôi, nhỏ hơn là 30.000 đồng/đôi, còn chim cuốc 40.000 đồng/đôi. Ngỗng trời, gà đồng khó bắt hơn, thì giá bán phụ thuộc vào từng ngày, dao động thấp nhất là 300 nghìn một sâu khoảng 6 con to, nhỏ là 7 - 8 con. Tính ra, mỗi mỗi thợ săn chim trời ngày cũng kiếm được từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Nhiều người sau khi săn được chim còn mang lên thành phố bán, vì ở đó bán được giá hơn và nhu cầu mua cao hơn, mang bao nhiêu hết bấy nhiêu. Trên những con đường như đại lộ Lê Lợi, đoạn gần chân cầu vượt Phú Sơn, cứ giờ tan tầm là cả chục xe máy treo lủng lẳng hàng trăm con cò, chim sẻ… đứng bán. Người mua cứ thỏa sức chọn hàng, trả giá, mặc cho những tiếng kêu thất thanh của những chú chim tội nghiệp.

Ngày nào cũng có hàng nghìn con chim trời bị treo ngược cổ, vắt vẻo sau gác xe máy, lượn khắp thành phố rao bán, người mua ít cũng một đôi, mua nhiều cả chục con. Trong khi các vườn cò, đồi cò ở huyện Triệu Sơn, thành phố Thanh Hóa đang được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, thì ở những nơi này, tình trạng săn bắt chim trời lại diễn ra một cách công khai.

Tương lai không biết còn có nơi “đất lành chim đậu” nữa không, nếu tình trạng săn bắt chim trời cứ diễn ra như hiện nay. Chim trời sẽ nhanh chóng bị tuyệt chủng, lúc đó, hình ảnh “con cò bay lả bay la” sẽ chỉ còn trong ký ức mỗi người Việt Nam mà thôi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất lành...chim lên bàn nhậu