Đốt hết một buổi chiều biên tái, tôi mới tìm được nhà ông, căn nhà nhỏ nằm chìm lút giữa tre pheo và lá mục ở cuối bản Na Nhắng, xã Tiền Phong (Quế Phong, Nghệ An).
Và, cũng trong căn nhà đó, giữa nhập nhoạng bóng đêm, giữa hun hút núi rừng, câu chuyện về ông, về người đàn ông Khơ Mú quyết vượt qua lời nguyền, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá để hạ sơn theo học cái chữ rồi từ đó thay đổi cuộc đời mình, được tãi ra chả khác gì cổ tích.
Ông là Moong Thái Dương (SN 1962), vị Hội thẩm nhân dân người dân tộc Khơ Mú duy nhất của TAND huyện Quế Phong.
Người đàn ông được… khen nhiều nhất bản
Tính đến giờ, ông Dương đã trải qua 5 khóa làm Hội thẩm nhân dân với 3 lần được “đứng giữa hội nghị đọc báo cáo điển hình”, 2 lần nhận Bằng khen và 1 lần được Chánh án TAND tỉnh Nghệ An trao tận tay Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tòa án, còn Giấy khen thì “nhiều quá không nhớ hết”. Dân Na Nhắng gọi ông là “Người đàn ông được… khen nhiều nhất bản”. Nhưng, đằng sau cái vẻ “hào nhoáng” và những thành tích ấy, ít người biết rằng, để đi từ rừng sâu đến trụ sở Tòa án, ông Dương đã phải trải qua “hành trình đời người” dài dằng dặc với vô vàn cam khó.
Ông Dương kể, ngày xưa, khắp vùng biên viễn Quế Phong còn khuất nẻo, hoang vu đến tột cùng. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông, Khơ Mú với truyền thống du canh du cư từ ngàn đời trước. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt, hái lượm và đốt rừng phát rẫy làm nương. Đến khi nào đất đai bạc màu, cây lúa không còn trổ bông trĩu hạt thì dắt díu, gánh gồng chuyển nhà đi nơi khác...
Hội thẩm nhân dân Moong Thái Dương (ngoài cùng, bên trái) trong một phiên xét xử
Dù được sinh ra ở Huổi Can, Nậm Nhoóng, nhưng tuổi thơ của ông Dương chủ yếu trôi đi trên khắp các đỉnh rừng. Bố mẹ ông, những người Khơ Mú “toàn tòng”, được tổ tiên truyền lại cho cái “gien xê dịch”. Cứ vài năm, thậm chỉ chỉ qua một hai mùa bắp, ông lại cùng với bốn anh em của mình thấp thểnh, phụ giúp bố mẹ “chuyển nhà”. “Gọi là nhà cho oai chứ thực ra chỉ vài cây gỗ cặm xuống, rồi quăng ít lá rừng lên làm nóc. Nhiều khi lá chưa kịp vàng, nhà tôi đã dỡ bỏ đi nơi khác, tìm vùng đất tốt hơn…”, ông Dương nhớ lại.
Những tưởng cả đời sẽ phải gắn với cảnh lang bạt, rày đây mai đó, nhà cửa tạm bợ, sống với “con ma rừng”, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng, nhưng rồi “bước ngoặt cuộc đời” của ông Dương cũng đến, vào năm 11 tuổi. Đó là khi thầy giáo xắn quần, lội rừng tìm lên tận nương, vào tận nhà để vận động bố mẹ ông cho mấy anh em ông đi học.
“Người Khơ Mú chỉ cần hạt ngô, hạt thóc để làm no cái bụng thôi, không cần cái chữ đâu, cán bộ về đi”, bố ông Dương quả quyết. Thế nhưng, cái tai thầy giáo hình như không nghe, cái miệng thầy giáo vẫn kiên trì giảng giải. Thầy nói từ trưa cho đến chiều, từ chiều cho đến tối, uống đến cạn cả can rượu, rồi say ngủ suốt đêm thì sáng hôm sau bố ông Dương mới đồng ý cho thầy mang mấy đứa con mình về dạy chữ.
“Lúc bấy giờ tôi cũng chả biết học chữ sẽ thế nào, có tốt không, và có làm no cái bụng? Tôi chỉ nghĩ, nếu mình được đi học, hàng ngày được đến trường thì sẽ không phải lang thang, đánh bạn với hang hốc, núi rừng nữa. Thế là tôi khóc ngằn ngặt đòi đi. Quả thật, nhờ có cái chữ mà đời tôi, đời các anh chị em tôi, và đặc biệt là đời con cháu của chúng tôi đã đổi khác rất nhiều”, ông Dương tâm đắc.
Nhọc nhằn tìm… chữ
Tưởng như đã quen với đủ các vùng thiểu số xa ngái, hoang biệt nhất Việt Nam, ngờ đâu tâm sự của Hội thẩm nhân dân Moong Thái Dương vẫn làm tôi rưng rưng cái nỗi thiệt thòi của bà con đồng rừng. Ông Dương bảo: “Nhà nghèo, lại sống lang bạt rày đây mai đó, nên khi về trường tôi có đúng một bộ quần áo thủng lỗ chỗ cùng vài bát ngô với mấy món đồ lặt vặt. Sau buổi học đầu tiên, thầy lôi tôi ra cắt tóc rồi bảo xuống suối tắm, còn thầy ngồi vá víu quần áo. Sau này, khi đã lớn lên, mỗi khi nhớ lại việc làm đó của thầy, tôi vẫn còn xúc động…”.
Nhà xa, phải ở lại trường, kể từ đó ông Dương bắt đầu phải tự lập về nhiều mặt, từ việc học tập cho đến việc lo nấu nướng cơm nước, tắm rửa, chăm sóc bản thân. “Trường nội trú cách nhà hơn 20km đường rừng, phải đi từ sáng đến chiều mới tới nơi nên có khi cả tháng tôi mới dám về nhà. Toàn phải đi bộ thôi. Đi như khỉ leo núi ấy, mệt thì nghỉ, khát thì xuống suối… Đối với đám học trò người dân tộc thiểu số như chúng tôi thì việc đó vẫn không khó, khổ bằng việc học tiếng phổ thông. Nó còn khó hơn cả đi bộ xuyên qua hàng trăm ngọn núi ấy chứ!”, ông Dương cười.
Ông Dương bên vườn cây ăn quả của gia đình
Lúc bấy giờ, trường ông Dương học chỉ là một căn nhà lá xập xệ, bốn bề tường đất, vừa làm lớp học, vừa làm chỗ ở cho cả thầy lẫn trò. Mỗi lần giông bão, tường vách lung lay, hơi lạnh, khí núi tràn buốt khắp nơi, mấy thầy trò phải tụ lại, nhóm lửa rồi ôm chặt lấy nhau cho đỡ rét. Ông Dương kể: “Ngày ấy khổ lắm, mấy thầy trò có mỗi cái chăn, “ướt tối nay thì đêm mai khỏi đắp”. Đói nữa, tuần nào cũng đứt bữa, mà có ăn cũng chỉ toàn khoai sắn với măng đắng thôi. Thèm cơm hơn thèm thở!”.
Đói khát, thiếu khó trăm bề như thế nhưng cậu học trò nghèo người Khơ Mú vẫn quyết tâm đeo đuổi việc học để nuôi ước mơ sau này lớn lên làm cán bộ. Khi gần hết học kỳ 1 năm lớp 7 thì ông Dương nghỉ học, sau một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Từ đó ông ở nhà phụ giúp gia đình rồi lấy vợ sinh con. Cuộc sống cứ thế chảy trôi, không buồn cũng không vui. Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi chính quyền tỉnh, huyện cử nhiều đoàn cán bộ vào Nậm Nhoóng vận động đồng bào từ bỏ cuộc sống du canh du cư, thì gia đình ông Dương là một trong những gia đình Khơ Mú đầu tiên về dựng làng, lập bản, định cư tại xã Tiền Phong.
Cũng từ đó, người dân Khơ Mú chính thức bước ra khỏi rừng già sâu thẳm, đoạn tuyệt với cuộc sống ăn hang ở lỗ. Từ mái đá hoang vu, dân tộc này đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Còn đối với bản thân Moong Thái Dương, thời điểm này cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn của cuộc đời ông. Bởi sau đó, ông được theo học tiếp hệ bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Giữa năm 1993, ông được tuyển vào làm Hội thẩm nhân dân ở TAND huyện Quế Phong và công tác ở đó từ bấy đến giờ.
Bị dọa đốt nhà vì làm… Hội thẩm
Nhưng ngặt nỗi, kể từ khi về công tác Hội thẩm nhân dân TAND huyện Quế Phong, hàng tuần, hàng tháng phải chứng kiến nhiều đồng bào của mình sa vào lao lý chỉ vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật, ông Dương trăn trở lắm. Làm sao để “xóa mù pháp luật”, nâng cao nhận thức cho đồng bào, để bớt đi những sai lầm không đáng có? Câu hỏi đó luôn dội vào ông đay đả.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định phải làm một điều gì đó cho quê hương, dù nhỏ thôi cũng được. Thế là trong suốt những ngày tháng tiếp theo, ông đi xin, mượn, phô tô tài liệu về để đọc, để học và tự trang bị thêm kiến thức cho mình. Mỗi khi chính quyền, hoặc các cơ quan đoàn thể của địa phương tổ chức các chuyến đi tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng sâu vùng xa, ông đều “nằn nì” xin đi cho bằng được. “Mình đã có may mắn được ăn học đàng hoàng thì việc đem cái vốn kiến thức đã học được ấy ra chia sẻ, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng cũng là điều nên làm...”, ông Dương tâm sự.
Một góc Na Nhắng
Trong suốt hơn hai mươi năm “ngồi ghế” Hội thẩm nhân dân, tham gia xét xử hàng nghìn vụ án, ông Dương gặp không ít trường hợp khó xử. Có lần ông tham dự một phiên tòa xét xử về tội cố ý gây thương tích mà cha mẹ của cả bị cáo và bị hại trong vụ án này đều là người cùng bản. Và cả hai gia đình đều năm lần bẩy lượt đến nhà gặp ông xin “ưu ái”cho người thân của họ.
Làm sao vừa giữ được sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, vừa không để mất tình làng nghĩa xóm? Câu hỏi đó làm ông Dương mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. “Tiến thoái lưỡng nan”, đã mấy lần ông định từ chối, nhường “quyền” Hội thẩm cho người khác. Thế nhưng, “mình cứ tuân theo pháp luật mà làm, trước sau thì người ta cũng hiểu”, nghĩ vậy nên ông Dương vẫn quyết định tham gia vào HĐXX.
“Sau mấy lần đến nhà bị tôi từ chối khéo, họ giận ra mặt, đi đường gặp nhau có khi chả thèm chào. Họ còn “bắn tin”, đại ý rằng mình cậy quyền, cậy thế cố tình ép uổng con cái họ. Đến ngày diễn ra phiên tòa, anh trai bị hại còn đứng trước cổng nhà tôi mà hét: “Ông không xử tù thằng Thà (tức bị cáo), tôi sẽ đốt nhà ông cho mà xem!”. Trước, trong và sau phiên xét xử đó, tôi cố gắng dùng lý lẽ, phân tích đúng sai cho cả bị cáo, bị hại lẫn người thân của họ. Dần dần họ cũng nhận ra điều hơn lẽ thiệt. Giờ mối quan hệ của tôi với hai gia đình đó đã trở lại bình thường, có khi còn thân hơn trước. Nhờ vậy mà nhà tôi đến giờ vẫn chưa bị đốt!”, ông Dương cười.
Niềm tự hào của người Khơ Mú
Trong nhiều phiên tòa, ngoài giữ vai trò là một thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX), đôi khi ông Dương còn kiêm luôn công việc của người phiên dịch. Bởi, với khả năng nghe nói được 4 ngôn ngữ: Thái, Mông, Khơ Mú, và tiếng phổ thông, lại am hiểu nhiều về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào, ông Dương là “của hiếm”, là “bảo bối” của Tòa án huyện, được anh em đồng nghiệp hết sức tin yêu, kính trọng.
“Ông Dương là người cẩn thận, tỉ mỉ và nhiệt tình trong công việc. Khi biết mình sẽ tham gia vụ án nào, ông luôn chủ động nghiên cứu rất kỹ hồ sơ, rồi cùng HĐXX phân tích, đánh giá các chứng cứ, tình tiết một cách khách quan nhất để đưa ra một bản án thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội. Hơn nữa, trong cộng đồng các dân tộc ở Tiền Phong, ông Dương còn là người có uy tín, được nhân dân tín nhiệm nhờ lối sống ôn hòa, chuẩn mực. Thế nên tiếng nói của ông rất có trọng lượng…”, Chánh án TAND huyện Quế Phong Võ Thạch Hùng cho biết.
Quả thật, không chỉ làm tốt công tác xã hội, mà ngay cả trong việc đối nhân xử thế, nhất là việc làm ăn kinh tế, giáo dục con cháu trong gia đình của ông Dương cũng khiến nhiều người nể phục. Ông có ba người con thì tất cả đều học hết lớp 12, trong đó cậu con trai cả đang là sinh viên trường Đại học Đà Lạt. Còn tính rộng ra, trong mấy anh em ông thì hầu như ai cũng có thể gọi là thành đạt với một người làm Bí thư, một người làm Chủ tịch xã (mới về hưu) và một cháu trai hiện đang là Đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Nghệ An.
Với ý chí và khát vọng vươn lên, Hội thẩm nhân dân Moong Thái Dương cùng với những người anh em trong dòng tộc của mình đã vượt thoát ra khỏi sự vây bủa của đói nghèo, hủ tục chốn rừng sâu để tìm đến với cái chữ, rồi vụt lớn, trở thành niềm tự hào của cả cộng đồng người Khơ Mú. Giờ, trong mỗi câu chuyện bên bếp lửa, người già ở vùng đất biên viễn Quế Phong này vẫn hay nhắc đến tên ông nói riêng và dòng họ Moong nói chung như một tấm gương sáng để răn dạy con cháu noi theo.