Trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố rút dự luật dẫn độ trong bài phát biểu được phát trên truyền hình chiều 4/9, đáp ứng một yêu sách của những người biểu tình.
Trưởng đặc khu Hongkong Carrie Lam đã phải chịu áp lực mạnh mẽ suốt 3 tháng qua
“Liên quan tới 5 yêu cầu do những người biểu tình đưa ra, tôi đã thông báo đình chỉ dự luật và nói rõ rằng dự luật đã chết”, bà Lam Carrie phát biểu trên truyền hình chiều nay. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa bà Lam và 43 nghị sĩ ủng hộ cùng đại biểu Hongkong tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại dinh thự Trưởng đặc khu chiều ngày 4/9.
Việc Trưởng đặc khu hành chính Hongkong tuyên bố rút dự luật dẫn độ đồng nghĩa với việc chính quyền Hongkong cuối cùng đã chấp thuận 1 trong 5 yêu cầu của người biểu tình. Ngoài yêu cầu chính thức rút dự luật dẫn độ, người biểu tình còn đòi chính quyền Hongkong phải thành lập một ủy ban để điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát khi đối phó với người biểu tình, ân xá cho những người bị bắt, dừng gọi các cuộc biểu tình là các cuộc nổi loạn và khởi động lại tiến trình cải cách chính trị đang bị đình trệ.
"Trước hết, chính quyền sẽ chính thức rút dự luật để xóa tan mọi lo ngại của người dân. Người đứng đầu cơ quan an ninh sẽ thực hiện quyết định này theo Quy tắc Tố tụng khi Hội đồng Lập pháp làm việc trở lại", bà Lam nói trong bài phát biểu được phát trên toàn bộ kênh truyền hình ở Hongkong.
Trưởng đặc khu Hongkong cho biết kể từ tháng này, bà và quan chức đứng đầu các ngành sẽ tiếp cận người dân ở mọi cộng đồng để đối thoại trực tiếp, tìm cách giải quyết sự bất mãn trong xã hội. Bà cũng sẽ mời các lãnh đạo cộng đồng, chuyên gia và học giả độc lập kiểm tra, xem xét các vấn đề xã hội và tư vấn cho chính quyền thành phố tìm ra giải pháp.
Bà Lam Carrie nhấn mạnh rằng, việc loại bỏ dự luật nhằm hợp lý hóa chương trình nghị sự lập pháp trước khi Hội đồng Lập pháp Hongkong hoạt động trở lại vào tháng 10 sau kỳ nghỉ hè. Do đó đây là thủ tục mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình không hài lòng với quyết định này. Họ cho rằng nhà chức trách phải thực hiện tất cả các yêu cầu của người biểu tình.
Về yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra độc lập để điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát khi đối phó với người biểu tình, bà Lam Carrie cho rằng, nên để vụ việc này cho Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC) giải quyết. Đề cập tới việc bãi bỏ cáo buộc đối với người biểu tình bị bắt, bà Lam Carrie cho biết bà đã giải thích rằng động thái này “đi ngược lại với quy tắc pháp luật và không thể chấp nhận được”. Về vấn đề chấm dứt gọi các cuộc biểu tình là nổi loạn, bà Lam Carrie khẳng định việc mô tả các vụ việc như thế nào không dẫn tới tác động về mặt pháp lý. Theo đó, mỗi quyết định khởi tố được đưa ra đều dựa trên bằng chứng thu thập được và phù hợp với luật pháp.
Từ tháng 6, người dân Hongkong đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Dự luật cho phép Hongkong dẫn độ nghi phạm tới những nơi chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục.
Trước sức ep của các cuộc biểu tình, hồi tháng 7, bà Lam Carrie đã tuyên bố hoãn thảo luận dự luật dẫn độ, song người biểu tình không chấp nhận điều này. Họ cho rằng, nếu dự luật còn nằm trong chương trình nghị sự lập pháp, nó sẽ có mọi cơ hội để "hồi sinh" trước khi Hội đồng Lập pháp hiện tại kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới.