Trong những năm qua HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản như: Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch để tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, thực hiện công tác cải cách hành chính.
Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...Trong những năm qua HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản như: Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch để tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, thực hiện công tác CCHC, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư thực hiện các TTHC.
Công tác chỉ đạo, điều hành các nội dung về CCHC; thẩm định và công bố Chỉ số đánh giá CCHC đối với các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã tạo một bước chuyển mới trong công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Công tác đào tạo bồi dưỡng đã được quan tâm, từ đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CCVC) làm công tác CCHC từ cấp tỉnh đến cơ sở. Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm soát TTHC cho lãnh đạo và cán bộ, công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; 02 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức, viên chức (CCVC) đảm nhiệm công tác CCHC tại các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.
Tổ chức 11 lớp tập huấn nghiệp vụ về quản trị Phần mềm ứng dụng Bộ phận một cửa cho CCVC phụ trách công nghệ thông tin tại các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; CCVC trực tiếp nhận hồ sơ, TTHC tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận một cửa cấp xã; văn thư các Sở, ban, ngành có TTHC tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; CCVC làm việc tại các phòng, ban chuyên môn thuộc các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trực tiếp giải quyết các TTHC.
Ảnh minh hoạ
Các TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai từ cấp tỉnh đến cơ sở, cấp tỉnh là Trung tâm Hành chính công tỉnh (gồm 16 Sở, ban, ngành và 02 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh); cấp huyện là Trung tâm Hành chính công của 09 huyện, thành phố; cấp xã là Bộ phận một cửa tại 137/137 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.652 TTHC của 170 lĩnh vực đang được thực hiện trên Phần mềm Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và Phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Việc áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin mà trực tiếp là Phần mềm trong giải quyết TTHC đã nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo việc liên thông ngang, liên thông dọc giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; thuận tiện trong phối hợp giải quyết các TTHC góp phần giải quyết nhanh chóng cho người dân, tổ chức khi giao dịch, giải quyết TTHC và góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ CB,CCVC.
Việc triển khai Phần mềm dịch vụ công được quan tâm thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 42 TTHC theo quy định; hiện nay UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai 446 TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Song song với việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt về thực hiện CCHC, công tác kiểm tra về CCHC được quan tâm hơn. Hàng năm UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ, Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và tiến hành kiểm tra các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã…
Từ đầu năm 2018 đến nay, các đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra công vụ và CCHC đối với 133 cơ quan, đơn vị, trong đó kiểm tra chuyên đề về kiểm soát TTHC 21 cơ quan, đơn vị. Việc kiểm tra CCHC gắn với kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và mỗi CB,CCVC trong thực hiện công tác CCHC, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ về CCHC, đặc biệt là trong lĩnh vực giải quyết TTHC, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8264/KH-UBND ngày 24/10/2018 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao các Sở, ban, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện 24 nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh mà trọng tâm là cải cách TTHC; tổ chức có hiệu quả Bộ phận một cửa các cấp; thực hiện tốt cải cách chế độ công vụ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong giải quyết TTHC; nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ CB,CCVC, đặc biệt đối với đội ngũ CB,CCVC làm việc tại Bộ phận một cửa và Trung tâm Hành chính công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CB,CCVC và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm góp phần nâng cao Chỉ số CCHC và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tới.