Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam

PV| 19/06/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bác Hồ là người đã khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác là người thầy vĩ đại của báo chí và những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Báo Thanh Niên - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp phụ trách công tác biên tập và cũng là cây viết chủ yếu.

Với Bác, làm báo là một phần của công tác cách mạng. Làm cách mạng là đấu tranh để xây dựng cái tốt, loại bỏ cái xấu, đấu tranh giành độc lập dân tộc và hạnh phúc cho đồng bào. Suốt 50 năm làm báo, làm cách mạng, Bác đã để lại một di sản vô cùng đồ sộ với hơn 2000 bài báo, 500 truyện, ký và 300 bài thơ. Khi nói đến cách làm báo, Bác quan tâm đặc biệt đến tư cách người làm báo. Người coi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Người nói: bài báo là tờ hịch của cách mạng. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy, nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, tức là người đi tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ người khác, trước hết phải làm gương cho người khác. Người dạy: “Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng... chống tham ô, lãng phí, thì nêu rõ ai tham ô? Ai lãng phí? Lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?... Chớ có viết lung tung”.

Người đem kinh nghiệm làm báo của mình để tâm sự với các nhà báo. Trường học làm báo của Bác là trường đời. Người dạy Bác làm báo đầu tiên cũng yêu cầu Bác viết hết sức thực tế, đầu tiên Bác viết 3,4 dòng, sau đó viết 10 dòng, rồi viết 1 cột, 1 cột rưỡi, rồi lại viết ngắn lại còn 10 dòng, 5 dòng. Bác học cách làm báo chính từ sự khổ luyện đó. Cho nên Bác luôn luôn khuyên các nhà báo phải học: “Học ở đâu, học với ai. Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam

Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén… 

Sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật, đó là phong cách làm báo của nhà báo Hồ Chí Minh. Bác dạy rằng viết báo không những chỉ viết những cái tốt mà còn phải viết những cái xấu để phê phán một cách đúng đắn, chân thành. Người cũng phê phán những phong cách làm báo của một số nhà báo thiếu đi sâu vào đời sống thực tiễn nên viết càn, viết ba hoa, viết “dây cà ra dây muống” hoặc “tầm chương trích cú” khiến cho người đọc như “lắt chắt vào rừng xanh”...

Bác Hồ luôn nhắc nhở những người làm báo chúng ta phải có lập trường chính trị vững chắc và không ngừng nâng cao tính chiến đấu. Bác dặn: Người làm báo phải luôn xác định: báo chí là mặt trận, người làm báo là chiến sĩ, cây bút trang giấy là vũ khí, bài báo là tờ hịch cách mạng để tập hợp, hướng dẫn nhân dân đấu tranh.

Bác Hồ cũng luôn nhắc nhở báo chí: bên cạnh việc đấu tranh chống cái xấu phải cổ vũ nhân tố mới, nêu gương người tốt việc tốt. Bác căn dặn: "Lấy gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới cuộc sống mới". Bác luôn tặng Huy hiệu cho những người được báo nêu gương. Bác chỉ đạo và khuyến khích tổ chức viết gương "Người tốt việc tốt" và in thành sách phổ biến sâu rộng trong nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962)

Kể từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, mặc dù bận nhiều công việc "quốc gia đại sự" nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên quan tâm đến báo chí. Từ tờ Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, cho đến những tờ báo của thiếu niên, nhi đồng. Một lần nói chuyện với những người làm báo mặc áo lính, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: "Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, viết ngắn, giản dị, dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác…". Còn đối với tờ Thiếu Sinh của thiếu nhi, Người căn dặn: "Báo đó là báo của trẻ em, vậy các em cũng nên giúp đỡ cho báo: gửi tin tức, tranh vẽ và viết bài cho báo. Nên đọc cho trẻ em chưa biết chữ nghe. Nên làm cho tờ báo phát triển…".

Với báo Ðảng, Người dặn: "Tờ báo Ðảng là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng lực công tác của chúng ta". Người xác định, báo chí phải "lãnh đạo dư luận", nghĩa là phải định hướng dư luận đúng đắn, lành mạnh; phải "nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân". Mỗi tờ báo phải thể hiện ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của một tập thể, của cộng đồng, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ.

Báo chí phải có tính Ðảng, tính tư tưởng, tính chính trị, tính chiến đấu, tính quần chúng, chân thật và khoa học. Ðó chính là cái "hay" của báo chí cách mạng. Người dạy rằng: "Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu".

Người đòi hỏi báo chí cách mạng không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp. Do vậy, người làm báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngại khó khăn, hy sinh, vì nhân dân phục vụ; cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động. Người nhấn mạnh vai trò “chiến sỹ” của người làm báo, đòi hỏi nhà báo phải kiên định lập trường, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng. Người dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức, được đào tạo nghề nghiệp, biết ngoại ngữ… Những người làm báo phải biết trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân.

Trong những ngày tháng 6 lịch sử này, những người làm báo chúng ta hãy cũng nhau ôn lại những bài học quý giá mà nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh để lại từ cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Người, cùng nhau tìm hiểu di sản báo chí đồ sộ, phong phú của Người để từ đó, đúc rút cho mình những điều sâu sắc và bổ ích nhất của nghề báo.

Sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc hôm nay đang đòi hỏi mỗi người làm báo luôn phải đề cao trách nhiệm công dân, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, phải luôn đau đáu với câu hỏi mà Bác Hồ đã dạy chúng ta mỗi khi cầm bút: “Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì?”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam