Phóng sự - Ghi chép

Mang “chữ Bác Hồ” gieo lên miền đá

T. Thành 13/09/2023 06:38

Năm 1959, thực hiện Chủ chương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên vùng cao công tác, đã có 890 giáo viên xung phong vác ba lô ngược núi. Và suốt từ bấy đến nay, có đến hàng ngàn hàng vạn thầy cô vẫn miệt mài, nối tiếp nhau mang “cái chữ Bác Hồ” gieo lên miền đá.

anh-bai-mang-chu-bac-ho-gieo-len-mien-da-3.jpg
Hiện trên cả nước có đến hàng ngàn hàng vạn thầy cô đang miệt mài vượt núi, băng rừng giúp đồng bào diệt “giặc dốt” như ước nguyện của Bác Hồ.

“Cõng” chữ lên non

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trải qua nhiều năm chiến tranh, việc phát triển văn hóa giáo dục ở miền núi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu giáo viên trầm trọng. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau chuyến Người đi thăm Sơn La, ngày 15/8/1959, Chính phủ ban hành Thông tư số 3116 –A7 về việc điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác, nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và góp phần phát triển văn hóa giáo dục miền núi.

anh-bai-mang-chu-bac-ho-gieo-len-mien-da-1.jpg
Đường đến trường của các thầy cô “cắm bản” còn nhiều gian nan, vất vả.

Trong Thông tư 3116 –A7 có ghi rõ: “Hiện nay việc phát triển văn hóa giáo dục ở các tỉnh miền núi đang đòi hỏi một cách cấp thiết vì tình hình giáo dục ở các nơi ấy tiến quá chậm. Muốn phát triển được giáo dục điều trước tiên là phải làm cho miền núi có nhiều giáo viên, hướng chính để giải quyết vấn đề giáo viên cho miền núi “là đào tạo thật nhiều cán bộ, giáo viên người địa phương”. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay thì số người dân tộc biết chữ để làm giáo viên còn rất ít, có nơi không có, như vậy trong thời gian trước mắt không thể nào không đặt ra vấn đề điều động giáo viên miền xuôi lên công tác ở các tỉnh miền núi nhất là Tây Bắc, Hải Ninh, Hòa Bình, Lào Cai…”.

Lạng Sơn là một trong nhiều tỉnh miền núi được đón giáo viên lên công tác theo Thông tư ấy. Các thầy, cô giáo xung phong lên Lạng Sơn khi đó có thể kể đến như thầy: Lưu Đức Tiến dạy Trường Trung cấp Sư phạm; thầy Tạ Quang Minh dạy lớp vỡ lòng ở Hữu Lũng; cô Dương Thị Minh dạy cấp 1 – 2 ở Nhân Lý (Chi Lăng); thầy Lã Trung Dung dạy tiểu học ở Thất Khê (Tràng Định); thầy Lê Bá Nhuần dạy ở Chi Lăng; thầy Lê Thanh Thiện, dạy ở huyện Đình Lập...

Thật khó để nói hết những khó khăn trong những ngày đầu tiên ấy, bởi 60 năm về trước, Lạng Sơn vẫn nổi tiếng rừng thiêng nước độc, dân số thưa thớt, bản làng xa xôi, thú dữ rình rập. Các thầy cô không chỉ vượt lên những khó khăn về vật chất mà còn phải vượt qua những thiếu thốn tinh thần do phải xa gia đình, người thân.

Nhớ lời dặn dò, động viên của Bác Hồ trước lúc lên đường: “Công tác ở miền núi có nhiều khó khăn, các cô, các chú xung phong gánh lấy những khó khăn để làm công tác giáo dục ở miền núi, thế là tốt, là vẻ vang. Nhưng các cô, các chú cần xung phong đến nơi, đến chốn. Cần có tinh thần bền bỉ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”, nên tất cả các thầy cô đều cố gắng, nỗ lực, gắn bó với bản làng, với học trò.

Từ những trường học không cơ sở vật chất, không học sinh, các thầy cô đã làm nên điều kỳ diệu từ bàn tay, khối óc nhiệt tình và trái tim yêu nghề mến trẻ. Không có lớp thì tự vào rừng chặt cây, làm tranh tre về dựng lớp; không có học sinh thì miệt mài lặn lội đến từng nhà dân vận động, tự học tiếng dân tộc để giao tiếp với bà con. Những lớp học đong đầy tình yêu thương đã ra đời như thế...

Chỉ trong vòng hơn 10 năm, từ 1959 đến 1970, ước tính đã có hàng trăm thầy cô giáo từ miền xuôi lên Lạng Sơn dạy học. Mặc dù thời gian đã lùi xa, nhiều điều đã thay đổi nhưng có một điều vẫn mãi được ghi nhận: Các thầy cô giáo từ miền xuôi lên xây dựng giáo dục miền núi là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền giáo dục mới, góp phần tạo nên những thành tích quan trọng hôm nay cho giáo dục tỉnh Lạng Sơn.

Và cũng trong khoảng thời gian từ 1959 đến 1969, đã có gần 500 giáo sinh thuộc 2 tỉnh Hà Nam, Nam Định tình nguyện xung phong lên Tây Bắc. Khi ấy đoàn giáo sinh được chia làm 9 lớp hệ học 7+1, lấy bí danh là Đ48 Lai Châu. Trước khi trực tiếp đứng lớp, các giáo sinh được học một khóa học nhằm tiếp thu kiến thức một số môn khoa học giáo dục sư phạm như phương pháp dạy; tiếng nói chữ viết cho con em các dân tộc; tâm lý giáo dục; chính trị học; công tác dân vận...

Sau khi tốt nghiệp khóa học, các giáo sinh được phân công công tác trên 7 huyện trong toàn tỉnh Lai Châu cũ. Khi ấy mạng lưới giáo dục ở đây còn mỏng, nhiều cơ sở bỏ trống, có xã, có trường chỉ có từ 1 đến 2 giáo viên. Đặc biệt, phần lớn đồng bào các dân tộc còn mù chữ, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội rất nặng nề.

Vượt qua những khó khăn, các giáo sinh đã đến từng nhà, từng bản vùng sâu, vùng xa để dựng lớp, mở trường cho con em các dân tộc cắp sách tới trường và dạy bổ túc văn hóa cho người lớn biết đọc, biết viết, biết tính toán.

Từ nền móng đó, đến nay hệ thống quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo của Điện Biên, Lai Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung đang từng bước được mở rộng, cơ sở vật chất trường học ngày một khang trang, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Trăn trở với vùng cao, thao thức với đồng bào

Cách đây hơn bốn thập kỷ, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, thầy giáo Hà Công Văn (1957-2014, quê Quảng Ninh, Quảng Bình) xung phong lên xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị dạy học. Lúc đó, khắp vùng đất biên viễn này còn hoang vu, khuất nẻo đến tột cùng. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Pa Cô - Vân Kiều và đa số là "mù chữ".

Cầm quyết định trên tay, sau hơn ba ngày đi bộ, thầy Văn mới đến được Đakrông. Do bất đồng ngôn ngữ, phải rất vất vả thầy Văn mới giải thích được cho đồng bào hiểu mình là "người của cách mạng, của Bác Hồ", có nhiệm vụ "mang cái chữ của Bác" lên dạy cho dân làng biết đọc, biết viết để mau thoát khỏi đói nghèo.

Khi đó, thầy Văn là người Kinh duy nhất ở đây. Muốn hoà nhập được với bà con, thầy chủ động cùng ăn, cùng ở với dân bản, học tiếng Pa Cô - Vân Kiều để thuyết phục bà con nghe theo mình. Rất may lúc ấy ở xã Đakrông có một cựu chiến binh người Pa Cô từng theo cách mạng và tham gia hầu khắp các chiến trường miền Nam nên có thể nói thông thạo tiếng Kinh.

Từ bấy, thầy Văn nhờ người cựu chiến binh này dạy cho mình tiếng Pa Cô - Vân Kiều. Mỗi ngày học từ 5-10 từ, dần dà, vốn tiếng dân tộc của thầy Văn khá lên, có thể trò chuyện đơn giản với người dân bản địa. Nhờ thế, việc hòa nhập của thầy với cộng đồng dân bản cũng dễ dàng hơn đôi chút.

Đồng bào Pa Cô - Vân Kiều khi đó mới bước ra từ rừng già sâu thẳm, từ cuộc sống “ăn hang ở lỗ”, mọi thói quen sống đến phong tục tập quán đều được lưu truyền từ nhiều đời trước. Họ bị bóng đen từ quá khứ ủ trong đói nghèo và mông muội. Muốn giúp họ thoát khỏi hủ tục và đói nghèo truyền kiếp, ban ngày, thầy Văn phải bày cho họ từ cách trồng lúa nước, trồng rau, thâm canh hoa màu đến việc chăn nuôi con gà, con lợn để tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống. Mỗi khi màn đêm buông xuống, thầy Văn lại thắp đuốc băng rừng, lội suối đến từng nhà trò chuyện và vận động bà con cho con em đi học.

Ban đầu, cũng chỉ có vài gia đình ở xã Đakrông vì nể cái tình của thầy giáo mà cho con em mình đi học. Vận động được trò rồi, thầy Văn lại cùng bà con chặt tre nứa dựng trường, mở lớp. Lớp học đầu tiên, trong căn nhà gianh tre nứa lá ấy có em 13-15 tuổi, có em mũi vẫn còn thò lò...

Do hầu hết các em không biết nghe và nói tiếng Kinh, còn thầy Văn thì chỉ bập bẹ vài câu tiếng Pa Cô - Vân Kiều, thế là cả thầy và trò "đánh vật" với nhau mà tiến triển cũng chẳng đáng là bao. Sau thầy Văn nghĩ ra một phương pháp là dùng các đồ vật đơn giản giơ lên, khi học sinh phát âm như thế nào thì thầy ngầm hiểu đấy là tên gọi, là tiếng của người bản địa.

anh-bai-mang-chu-bac-ho-gieo-len-mien-da-2.jpg
Thầy Hà Công Văn trò chuyện với phóng viên.

Cứ thế, thầy học tiếng của trò, trò lại học tiếng của thầy. Nhưng cũng chỉ được vài hôm, đám học trò của thầy Văn, đứa nhớ mẹ, đứa nhớ em đòi về, có hôm lớp còn đúng ba em. Không nản chí, thầy tiếp tục hỏi thăm đường rồi lặn lội đến từng nhà để vận động các em đi học. Thấy thầy giáo ân cần, gần gũi, lũ trẻ cũng dần “hợp tác”. Chúng bắt đầu chăm chỉ, chịu khó đến lớp thường xuyên hơn để bắt đầu học a, b, c… Con chữ cứ thế thầm dần vào bọn trẻ.

Thương học trò phải lặn lội mưa gió mỗi ngày, thầy Văn đã nghĩ ra mô hình trường nội trú vùng cao đầu tiên bằng cách vận động bà con kiếm gỗ rừng làm trường học và dựng thêm một vài lán nhỏ dùng để ở. Dựng xong, thầy lại vào tận các bản xa xôi tìm những em có hoàn cảnh khó khăn đưa ra nuôi ăn học.

Như đêm tối gặp ánh lửa, nhiều người đã gùi gạo, cõng con đến trường giao hẳn cho thầy. Khi ấy, thầy Văn vừa là thầy, vừa là anh, là cha của các em. Mỗi ngày học một buổi, buổi còn lại thầy trò ra rẫy tự sản xuất lương thực. Những em lớn cùng thầy chăn nuôi, trỉa lúa; các em nhỏ trồng rau, xuống suối bắt cá...

Cứ thế, công cuộc “gánh chữ lên non" của thầy Văn kéo dài ra mãi. Giờ, dù đã khuất núi, song thầy Văn cũng để lại cho vùng đất nhiều cam khó Đakrông một "tài sản" quý giá là hàng ngàn người Vân Kiều, Pa Cô trên rẻo cao Trường Sơn biết chữ. Đã có rất nhiều học trò của thầy trưởng thành và trở thành những cán bộ chủ chốt trong và ngoài tỉnh. Với công lao to lớn ấy, thầy Hà Công Văn đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng 3 và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...

Và trường hợp như thầy Hà Công Văn không phải là cá biệt. Hiện trên cả nước có đến hàng ngàn hàng vạn thầy cô đang miệt mài vượt núi, băng rừng “cắm bản”, giúp đồng bào diệt “giặc dốt” như ước nguyện của Bác Hồ. Bằng tinh thần và trách nhiệm với cộng đồng, họ đã và đang hàng ngày, hàng giờ mang ngọn lửa tri thức thắp sáng vùng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mang “chữ Bác Hồ” gieo lên miền đá