Từ năm 2011 đến nay, Đồng Hỷ đã huy động được 1.570,377 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn huy động từ nhân dân, doanh nghiệp đạt 534,336 tỷ đồng cùng 96ha đất được nhân dân hiến.
Là huyện miền núi, với 4/13 xã nằm trong vùng an toàn khu - ATK, thời kháng chiến chống Pháp, nhưng nhờ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, XDNTM ở Đồng Hỷ đạt được nhiều thành tích.
Ông Ngô Xuân Hải, Bí thư huyện Đồng Hỷ chia sẻ “10 năm qua, từ chỗ bình quân mỗi xã chỉ đạt 5,4 tiêu chí thì đến nay toàn huyện đã có 8 xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 16,46 tiêu chí; không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Giờ đây, bất cứ ai về lại mảnh đất này đều nhận ra diện mạo của Đồng Hỷ đã đổi thay thực sự. Năm 2019, huyện Đồng Hỷ có đến 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, đây là điều kiện để các sản phẩm nông dân có cơ hội làm giàu, góp phần nâng cao đời sống người dân trong mục tiêu Nông thôn mới trên địa bàn huyện”.
Ông Trần Quốc Tỏ cùng lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành trạm điện Bản Tèn - nơi cao nhất, xa nhất tỉnh Thái Nguyên
Trong 10 năm, toàn huyện đã tiến hành xây dựng, cải tạo, nâng cấp 161,3km đường trục xã, liên xã; xây mới được 403,7km đường bê tông nông thôn. Số xã có đường đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc đổ bê tông đạt 100%. Đến nay có 10/13 xã đạt tiêu chí giao thông tăng 10 xã so với năm 2010.
Trên địa bàn huyện đã xây dựng 108 trạm biến áp; cải tạo, nâng cấp 549,31km đường dây trung thế và hạ thế với giá trị đầu tư 260,78 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên đạt 99,8%. Nâng các xã đạt tiêu chí về điện lên 13/13 xã, đạt 100%. Bên cạnh đó, công tác giáo dục được Đồng Hỷ đặt lên hàng đầu. Trong giai đoạn vừa qua, huyện đã tiến hành đầu tư xây dựng 56 công trình trường học, với tổng vốn đầu tư 143,877 tỷ đồng. Đến nay toàn huyện có 42/47 trường học đạt chuẩn quốc gia (tính trên 13 xã xây dựng NTM), chiếm tỷ lệ 89,36%, nâng tổng số xã đạt tiêu chí về trường học là 12/13.
Ông Ngô Xuân Hải kiểm tra các tiêu chí Nông thôn mới trên địa bàn huyện
Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp có lợi thế trên địa bàn như: Phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ chè, trồng rừng và chế biến lâm sản; phát triển kinh tế HTX, tổ hợp tác và làng nghề..., bên cạnh đó huyện cũng tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Theo Quyết của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đạt sao của sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2019, huyện Đồng Hỷ có 7/25 sản phẩm nông nghiệp trong toàn tỉnh được đánh giá và cấp giấy chứng nhận đạt sao. Đến nay, toàn huyện có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 32 làng nghề, 34 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (sản xuất kinh doanh chè, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm). 7 Thương hiệu đạt chuẩn OCOP Cụ thể, nhóm sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, gồm: Chè móc câu của Hợp tác xã An toàn Nguyên Việt (xã Minh Lập); Minh Tâm Trà, Bảo Lâm Trà của Hợp tác xã Tuyết Hương (xã Hóa Trung); Chè Thịnh An đặc biệt của Hợp tác xã chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu) và Miến dong Việt Cường 200g của Hợp tác xã Miến Việt Cường (xã Hóa Thượng). Các sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, gồm: Chè Thịnh An Thượng Hạng và Miến khoai lang Việt Cường 500g.
Tổng kết 10 năm nông thôn mới huyện Đồng Hỷ đạt điều nhiều thành tích cao điểm nhấn huyện hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống nhân dân
Đặc biệt, Đồng Hỷ đã thực hiện chăn nuôi trong khu quy hoạch, từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung công nghiệp, trang trại, gia trại. Hiện nay trên địa bàn huyện, có 89 trang trại, nhiều hộ chăn nuôi gia trại quy mô vừa và nhỏ… tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Xây dựng, hình thành vùng chuyên chăn nuôi gà theo hình thức bán chăn thả tại các xã Hợp Tiến, Tân Lợi, Nam Hòa với quy mô 500 - 1.000 con/lứa. Các trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, liên doanh, liên kết, từng bước hình thành các chuỗi trong sản xuất chăn nuôi.
Với những kết quả tích cực trong giai đoạn vừa qua, Đồng Hỷ đang tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu của giai đoạn mới 2021-2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 có từ 5 xã trở lên đạt chuẩn “xã NTM kiểu mẫu”. “Để thực hiện điều đó, huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với các xã được công nhận đạt chuẩn, trong đó tập trung thực hiện các nội dung: Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển ngành nghề, năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo trật tự ngày càng tốt hơn để NTM phát triển bền vững” - đại diện huyện Đồng Hỷ khẳng định.
Con đường nông thôn mới khang trang đến với Mỏ Ba - Tân Long
Lễ hội đặc sắc hoa tam giác mạch của Người mông tại Bản Tèn - Văn Lăng - Đồng Hỷ
Bản Tèn những năm trước đây, nơi mệnh danh cao nhất, xa nhất, nghèo nhất tỉnh Thái Nguyên, không điện, không nước, không trường học, con đường lên với bản lầy lội, dốc đá nguy hiểm, phương tiện duy nhất đó là sức ngựa. Thế nhưng 4 năm trở lại đây, bằng sự quan tâm của lãnh đạo cũng như huyện nhà, Bản Tèn nay đã thực sự thay da đổi thịt. Con đường bê tông kiên cố đã hình thành xây lên tận đỉnh núi, hai bên đường, nhà dân đã xây dựng và phát triển kinh tế; trường học khang trang, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Hàng năm để duy trì, bảo tồn nét văn hóa đồng bào Dân tộc Mông. UBND huyện Đồng Hỷ tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông, hoạt động được huyện Đồng Hỷ tổ chức hai năm một lần nhằm gìn giữ, phát huy, tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, khơi dậy niềm tự hào về truyền thông văn hóa trong mỗi người. Ngày hội, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc của những vườn hoa Tam giác mạch. Đây cũng là điểm nhấn để quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Đồng Hỷ đến với các địa phương trong và ngoài tỉnh.