Chính trị

Bài 1: Xây dựng Thái Nguyên là trung tâm vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ

Nhóm PV 13/12/2023 09:00

Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ phương hướng phát triển kinh tế- xã hội (KT - XH), đảm bảo Quốc phòng-An ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện. Nhất quán quan điểm, tầm nhìn và chiến lược của Đảng, những năm qua, toàn hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc quyết liệt, tạo ra bước đột phá cho sự phát triển KT-XH của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

1.png

Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ phương hướng phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), đảm bảo Quốc phòng-An ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện. Nhất quán quan điểm, tầm nhìn và chiến lược của Đảng, những năm qua, toàn hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc quyết liệt, tạo ra bước đột phá cho sự phát triển KT-XH của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Phát huy tinh thần trung tâm vùng Việt Bắc

Việt Bắc là tên gọi để chỉ một vùng của một số địa phương ở miền Bắc, gần biên giới giáp với Trung Quốc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là quê hương cách mạng, là chiến khu, là nơi ghi dấu bao chiến công anh hùng của quân và dân ta như bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu đã mô tả. Để có mùa Xuân Việt Bắc, chúng ta sẽ không thể nào quên mùa Xuân đầu tiên khi Bác Hồ đặt chân về nước vào ngày 28/1/1941 - Thời khắc lịch sử vô cùng trọng đại đối với tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đây cũng là sự kiện mùa Xuân Việt Bắc đánh dấu những thắng lợi sau này của Cách mạng Việt Nam

bac-ho-ve-nuoc.jpg
Bác Hồ về nước ngày 28/1/1941 đánh dấu bước ngoặt lịch sử phong trào đấu tranh Cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu: Báo Nhân dân

Như cánh én báo hiệu một mùa Xuân lịch sử, chuyện Bác Hồ về nước vào đầu Xuân năm 1941 đã ghi một dấu ấn đặc biệt sâu sắc của một chặng đường cách mạng. “Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt-Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đã xúc động đứng lặng hồi lâu sau 30 năm bôn ba nay được "hôn lên hòn đất" quê hương mình. Giây phút thiêng liêng ấy đã được nhà thơ Tố Hữu miêu tả:

Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

30 năm, từ một thanh niên yêu nước, có chí hướng nhưng chưa rõ con đường đấu tranh cách mạng, đến khi trở về, Người trở thành một chiến sĩ Cộng sản quốc tế với “đường cách mệnh” soi sáng, cùng tinh thần kiên cường vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Thực tế phong trào Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đang dâng cao, Người về đã thay đổi chiến lược, đáp ứng tình hình kháng chiến trong nước trong thời kỳ mới, góp phần thúc đẩy cách mạng phát triển nhanh, mạnh đi đến góp phần mạnh mẽ và “rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta”, đưa cách mạng đến thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, là đại thắng mùa Xuân 1975…

Sau Cách mạng tháng Tám, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng 10/1946, sau khi ở Pháp về, Bác phái đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để chỉ đạo việc chuẩn bị các mặt cho kháng chiến, đặc biệt là vận chuyển hàng chục nghìn tấn muối từ Nam Định lên chiến khu. Tháng 11/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, nghiên cứu di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Sau đó, đội công tác của đồng chí Trần Đăng Ninh đã lên Việt Bắc để “làm trong sạch” vùng ATK trong nhiều đợt.

Công việc lựa chọn Việt Bắc làm an toàn khu (ATK) để quay lại hoạt động cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ và chuẩn bị từ trước. Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng ra đời sớm nhất và lớn nhất trong thời kỳ chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1946-1954). Quá trình củng cố, phát triển của căn cứ địa Việt Bắc gắn liền với hoạt động lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ.

bac-ho.jpeg
Ngày 06/12/1953, tại Lán Tỉn keo xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)
12039_bac_ho_bgft.jpg
Một trong lý do qua trọng nhất Bác Hồ chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, đó là tấm lòng người Việt Bắc. Bởi theo Bác Hồ, sự ủng hộ của lòng dân Việt Bắc, sống giữa đồng bào tức là được bảo vệ an toàn nhất. Theo Người, “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin”.

Việt Bắc là một vùng núi hiểm trở gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong đó các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Chợ Đồn, Chợ Rã đã được chọn làm ATK. Việt Bắc có đủ các điều kiện thuận lợi về địa lý, lịch sử, kinh tế, Nhân dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Về lịch sử, “Việt Bắc là gốc tích tổ tiên Hùng Vương ta dựng nước, là nền tảng chống ngoại xâm của ông cha ta, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nùng Trí Cao; Là căn cứ chống Pháp của tiên liệt ta như cụ Hoàng Hoa Thám; Là căn cứ địa của cuộc dân tộc giải phóng, chống Pháp, chống Nhật; Là quê hương của giải phóng quân ta, anh cả của Vệ quốc quân”.

Những năm kháng chiến gian khổ và vô cùng khó khăn, Nhân dân Việt Bắc cùng với bộ đội đã hết lòng bảo vệ chiến khu, anh dũng chiến đấu với quân thù. Mỗi tên bản, tên núi, tên sông nơi đây đều gắn liền với những sự kiện, chiến công trong kháng chiến. “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Nhờ vậy, cuộc kháng chiến đã kết thúc bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Đến khát vọng phát triển của trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc

Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện

Năm 2023, Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc chủ trì Hội nghị lần 1 và 2 với chủ đề “Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của 14 vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã định hướng phát triển ngành kinh tế chính theo chuỗi không gian các ngành công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp; không gian du lịch vùng.

Mục tiêu đến năm 2050, vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển xanh, bền vững và toàn diện; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã khẳng định, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững. Do vậy, vùng Trung du và miền núi phía Bắc phải có bước phát triển mạnh mẽ trong việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh phù hợp với tiềm năng và lợi thế, gắn với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Điều này đặt ra vấn đề phải lập mới quy hoạch vùng để đồng bộ hóa các quy hoạch đã và đang thực hiện; đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp tổng thể thực hiện mục tiêu, chiến lược đã đề ra.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến phản biện, tiếp tục nghiên cứu, điều tra, cho ý kiến để công tác lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với thực tiễn, phát triển theo hướng bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của vùng…

ms.png
Phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Đối với Thái Nguyên là tỉnh có vị trí rất thuận lợi, trung tâm của vùng Việt Bắc. Với diện tích tự nhiên 3.562km², dân số trên 1,2 triệu người gồm 8 dân tộc cùng sinh sống; có 9 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện với 180 xã, phường, thị trấn. Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội; Trung tâm thành phố Thái Nguyên cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, Hà Nội 75km, các cửa khẩu biên giới Trung Quốc và cảng Hải Phòng 200km.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu: Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Để thực hiện điều đó, Đảng bộ và Nhân dân Thái Nguyên đã và đang phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tạo cơ hội để bứt phá, xứng đáng với địa danh là ATK, Thủ đô kháng chiến năm xưa.

Còn nữa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Xây dựng Thái Nguyên là trung tâm vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ