Trước thực trạng nhiều nhà máy xi măng lớn như Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai… đang làm ăn thua lỗ, mới đây Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành này.
Có nhà máy phải dừng sản xuất 12 tháng
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành sản xuất xi măng Việt Nam đang gặp một số khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đưa nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc phải bán một phần cho nước ngoài.
Thứ nhất, thị trường tiêu thụ nội địa rất yếu. Nhu cầu nội địa thấp vì các dự án đầu tư công triển khai còn chậm; các dự án xây dựng đường giao thông, trong đó có đường cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, chủ yếu là nền đường đắp và mặt đường bê tông atsphan, giải pháp xây dựng đường dạng cầu cạn bằng bê tông cốt thép còn rất hạn chế; công nghệ sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất còn chưa được sử dụng; thị trường nhà ở, bất động sản dường như đóng băng; tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp.
Thứ hai, giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt giá than. Sự tăng giá năng lượng kéo theo tăng giá vận tải, trong khi chi phí vận tải của ngành xi măng ảnh hưởng lớn đến giá thành và giá bán sản phẩm.
Thứ ba, thuế xuất khẩu clanhke tăng. Đây là khó khăn lớn cho việc bình ổn sản xuất bằng giải pháp xuất khẩu khi tiêu thụ nội địa giảm. Thuế xuất khẩu tăng, cộng thêm việc xuất khẩu clanhke không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp xi măng không xuất khẩu được hàng, phải dừng sản xuất. Năm 2023, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất nửa năm, có nhà máy dừng 12 tháng.
Thứ tư, sức ép môi trường đối với các nhà sản xuất xi măng ngày càng lớn, buộc các nhà máy phải đầu tư các hạng mục liên quan đến môi trường trong khi sản xuất, tiêu thụ rất khó khăn.
Đáng chú ý, trong báo cáo vừa gửi tới Thủ tướng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết lượng tiêu thụ xi măng từ năm 2022 đến nay liên tục sụt giảm làm cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó.
Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn. Lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022.
Kiến nghị loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa. Hiệp hội cho rằng, theo kinh nghiệm của các nước mới phát triển từ nước nghèo/chậm phát triển thành nước công nghiệp trong thời kỳ hiện đại, khi thu nhập GDP bình quân đầu người hàng năm đạt khoảng trên 4000 USD thì nhu cầu xi măng hàng năm thường đạt trên 1000 kg/người. Mức tiêu thụ xi măng nội địa của Việt Nam hiện nay đang thấp, chỉ đạt chưa đến 650 kg/người/năm.
Để tăng tiêu thụ xi măng nội địa, phù hợp với sức của nền kinh tế hiện tại và nhu cầu khách quan về đầu tư kết cấu hạ tầng, nhà ở, nhà ở xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, cần: Sớm triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, thay đường bê tông xi măng cốt thép cho đường đắp nên đặt ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua (miền Trung, thung lũng ở miền núi, đồng bằng Sông Cửu long). Đây là giải pháp mang lại rất nhiều lợi ích.
Cần sử dụng công nghệ gia cố nền đường bằng xi măng - đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình đường giao thông theo kịp các nước tiên tiền, khi đã có đủ xi măng trong nước. Công nghệ này đã được các nước châu Âu, châu Mỹ sử dụng từ hàng trăm năm trước và hiện nay vẫn đang được sử dụng. Gí cố nền bằng xi măng - đất cho phép sử dụng tất cả các loại đất tại chỗ, mang lại độ bền cho nền đường, giảm độ thấm/hút nước, phân bố tải trọng đều hơn, tăng tuổi thọ và giảm chi phí bảo trì trong suốt vòng đời của công trình.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bãi bỏ thuế xuất khẩu clanhke xi măng. Quan niệm sản phẩm clanhke là vật liệu thô, xuất khẩu clanhke xi măng là làm cạn kiệt tài nguyên là không thỏa đáng, không khoa học.
Trước mắt, trong khi chưa thể bãi bỏ chính sách thuế đối với xuất khẩu clanhke, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giữ nguyên thuế xuất khẩu clanhke trong 2 năm tới ở mức 5% (như mức thuế trước năm 2023) và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng để thể hiện sự hỗ trợ của nhà nước đối với ngành sản xuất xi măng trong lúc rất khó khăn, tránh các doanh nghiệp bị phá sản, gây hệ lụy khôn lường nếu thiếu xi măng trong những năm tới.
Hiệp hội Xi măng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, ưu tiên các doanh nghiệp xi măng được vay vốn lưu động.
Chỉ đạo các cơ quan nhà nước có liên quan có chính sách khuyến khích về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư, vận hành các thiết bị đồng xử lý, tái chế các chất thải trong nhà máy sản xuất xi măng. Ban hành chính sách miễn, giảm, khấu trừ chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu thay thế là rác thải, chất thải trong sản xuất.
Hiệp hội cho rằng, hiện nay ngành xi măng đã trưởng thành và hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất, các nhà đầu tư trong nước đủ năng lực nên đề nghị Nhà nước không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất xi măng tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp xi măng lợi nhuận âm
Danh sách các doanh nghiệp sản xuất xi măng có lợi nhuận sau thuế năm 2023 âm, mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa có nhiều cái tên trong ngành xi măng rất đáng chú ý như: Công ty CP xi măng Bỉm Sơn, Công ty CP xi măng Vicem Bút Sơn, Công ty CP thương mại, dịch vụ, vận tải xi măng Hải Phòng, Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai…Đây là những doanh nghiệp lớn trong ngành xi măng, đang cung ứng ra thị trường những thương hiệu xi măng có tiếng như: Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Bút Sơn, Xi măng Hoàng Mai.