Có hay không “sân sau”, “lợi ích nhóm”?

Trung Nguyễn| 29/05/2019 21:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, doanh nghiệp “sân sau”, “cộng sinh” với những người có thẩm quyền, lợi dụng cơ chế, pháp luật chưa đồng bộ, thường lựa chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất.

Đây là vấn đề được nhiều ĐBQH đặt ra tại Phiên giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị vừa qua.

Theo ý kiến của ĐBQH, trên thực tế, thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều tỷ phú về đất, “ôm” nhiều đất “vàng”, đất “kim cương” tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị, đồng thời thâu tóm hàng nghìn ha đất “màu mỡ” khác để chờ thời. Những dự án này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp nắm giữ mà còn đang được sử dụng như một tài sản thế chấp vay ngân hàng, dù thực chất là giá trị từ đất được cho thuê và trả tiền hàng năm không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Với việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí không tuân thủ pháp luật, câu hỏi về lợi ích nhóm, “sân sau”, “sân trước” trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị cũng được nhiều ĐBQH đặt ra tại Phiên giám sát.

Ngay trong Báo cáo kết quả giám sát cũng cho thấy, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch đất đai theo đề xuất của nhà đầu tư. Cả nước có đến 1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh từ 1 đến 6 lần. Thậm chí, qua điều chỉnh quy hoạch thì mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20 - 33 tầng lên đến 40 tầng.

“Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của Nhà nước thì lại bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ quy hoạch do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời” - ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chỉ rõ.

Nhìn vào những điều chỉnh như tăng số tầng, mật độ xây dựng cao đột biến, hay giảm diện tích cây xanh… phần nào cho thấy, việc điều chỉnh quy hoạch có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng.

Những tồn tại, hạn chế trong công tác định giá đất cũng được các ĐBQH tập trung phân tích. ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), việc định giá đất trong quá trình chuyển nhượng mua bán đất đai không rõ ràng, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện là kẽ hở gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Trong cùng một địa phương, cùng một thời điểm khi áp dụng các phương pháp khác nhau đã tạo ra sự chênh lệch lớn về giá trị khu đất. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ chọn phương pháp tính có lợi cho mình và một nhóm người có cùng lợi ích. Định giá đất không sát với giá đất trên thị trường có thể khẳng định là hạn chế mang tính bao trùm, đúng với cả khung giá đất của Chính phủ, cũng như bảng giá đất được UBND tỉnh đưa ra.

Việc hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất, để các địa phương xác định bảng giá đất, giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách đang là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế. Do vậy, dù là vấn đề rất khó, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, không thể không làm vì Hiến pháp đã quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý. 

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình một số nội dung ĐBQH quan tâm. Qua đó cho thấy, một số vấn đề vướng mắc, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị cũng đã được tháo gỡ trong các luật mới ban hành. Vì thế, ngay sau chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, các cơ quan chức năng cần bắt tay vào nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan, đồng thời, phải thắt chặt kỷ cương quản lý của các cấp, các ngành.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có hay không “sân sau”, “lợi ích nhóm”?