Kinh tế

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về dịch chuyển năng lượng tái tạo

Trang Nhi 01/06/2023 - 15:18

Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội, Phó CN UBKHCNMT Quốc hội bày tỏ băn khoăn về vấn đề dịch chuyển năng lượng.

dbqh-ta-dinh-thi.jpeg
Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội (Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội)

Theo đại biểu, đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội tạo ra sự phát triển đột phá về mọi mặt đối với mỗi quốc gia, khu vực, địa phương. Trên thế giới, các đô thị đang đóng góp khoảng 80% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, đô thị hóa và phát triển đô thị đang trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Các đô thị hiện nay chính là các cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo; y tế. Điển hình là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thể chế, kinh tế, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật liên quan và gần đây là hai Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 và Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị.

"Để sớm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tôi kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh việc nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị; hoàn thành phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch 05 thành phố trực thuộc Trung ương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội", đại biểu Thi nói.

Về chuyển dịch năng lượng, Đại biểu Tạ Đình Thi cho biết: Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường và đang được triển khai hiệu quả ở nhiều nước. Cùng với cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố chính trị mạnh mẽ về việc phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, trong đó có nội dung về chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, có 04 thách thức lớn đối với việc triển khai, bao gồm tài chính, công nghệ, quản trị và nhân lực, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là nguồn vốn.

Ước tính, Việt Nam cần khoảng 86 tỷ USD đến năm 2030 và 370 tỷ USD cho lộ trình chuyển dịch đến năm 2050. Chỉ riêng đối với việc triển khai Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 134,7 tỷ USD. Như vậy, nguồn lực đầu tư rất lớn so với khả năng cân đối của nền kinh tế với mức dự báo phát triển kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới.

Do đó, Đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án năng lượng, chú trọng các cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh và các tổ chức tài chính quốc tế, cơ chế tài chính quốc tế JETP trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Đồng thời, Đại biểu nêu kiến nghị của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và cử tri, Nhân dân 4 huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, thành phố Hà Nội về việc sớm điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ và đê điều đối với hạ lưu sông Hồng, sông Đáy cho phù hợp với thực tế và quan tâm đầu tư giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho biết: Vấn đề điện cho vùng biển đảo, đầu tháng 3 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc tại tỉnh Kiên Giang, và đã có ghi nhận một số kiến nghị của tỉnh. Thủ tướng đã có kết luận và văn phòng Chính phủ đã có thông báo tại công văn số 99 ngày 5/4/2022 về chỉ đạo giải quyết các kiến nghị trên trong đó có việc đầu tư kéo lưới điện quốc gia cho 2 xã đảo An Sơn và Nam Du của Kiên Giang.

Cụ thể, trong báo cáo có nêu, sau khi Chính phủ phê duyệt Nghị quyết chủ trương đầu tư chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN khẩn trương phê duyệt điều chỉnh dự án để sớm triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành việc kéo lưới điện quốc gia tại 2 xã đảo An Sơn và Nam Du vào tháng 6/2023, nhưng đến nay EVN chưa kéo lưới điện cho 2 xã này.

Mới hôm qua tôi vừa nhận được công văn của Bộ Công Thương trả lời cho tỉnh về việc chậm thực hiện đầu tư lưới điện quốc gia tại 2 xã đảo An Sơn và Nam Du, chung quy là không có vốn để bố trí, nghĩa là việc này đồng nghĩa với việc người dân nơi đây phải tiếp tục chờ đợi, trong khi đó, nhân dân ở những nơi này rất thiệt thòi về hưởng thụ các thiết chế công cộng, các điều kiện hỗ trợ đời sống từ hạ tầng cơ sở.

ong-tran-van-lam-2.jpg
Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết: Chuyển đổi để phát triển năng lượng tái tạo là một định hướng, thế nhưng chủ trương là một chuyện, còn việc triển khai thực hiện cho hiệu quả lại là một chuyện, đòi hỏi đồng bộ cơ chế chính sách và đặc biệt là quy hoạch, quy hoạch phải làm sao mà xây dựng một cách đảm bảo về mặt tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với chiến lược.

Ví dụ như tỷ lệ tham gia phát triển năng lượng, điện tái tạo, mức độ nào phù hợp với từng giai đoạn, trình độ công nghệ và khả năng kỹ thuật.

Vừa rồi trong vấn đề mà chúng ta để cho năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, bất chấp các quy định, các quy trình dẫn đến việc không đáp ứng được hệ thống mạng truyền tải điện không phù hợp và không thực hiện được các điều kiện để cam kết đấu nối và sử dụng. Hiện trạng là lãng phí xã hội đang xảy ra, khi các công trình xây dựng xong thì đang không được nối lưới điện quốc gia thì vẫn thiếu.

Theo số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia công bố hôm 26/5 vừa qua, những ngày cuối tháng 5 lưới điện quốc gia hấp thụ khoảng 100 triệu kWh tương đương 1/9 sản lượng điện của hệ thống, cá biệt ngày 25/5 sản lượng điện năng lượng tái tạo lên đến 106 triệu kWh/ngày, như vậy là tương đối lớn, tuy nhiên vừa rồi sản lượng gió nhiều thời điểm xuống thấp, sản lượng chỉ đạt 5,6% tổng công suất dự kiến.

Sản lượng năng lượng tái tạo giảm đột ngột dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội băn khoăn về dịch chuyển năng lượng tái tạo