Chiều 15.5, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Những vấn đề đặt ra và giải pháp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thành viên Đoàn giám sát Tạ Đình Thi điều hành Hội thảo.
Cùng dự có: Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, một số bộ ngành, Văn phòng Chính phủ, các hiệp hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia; các chuyên gia, nhà khoa học…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công thương đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo Quy hoạch điện VIII). Đến nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn thiện cơ bản và đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là xem xét việc lập, trình phê duyệt và các nội dung cơ bản của Quy hoạch điện VIII để kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để khắc phục và tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện quy hoạch trước đây, bảo đảm Quy hoạch điện VIII thật sự thiết thực, khả thi.
Để tiếp tục cung cấp thông tin phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, các đại biểu tập trung phân tích và đánh giá về dự báo nhu cầu tiêu thụ điện và các kịch bản phát triển nguồn điện; việc bảo đảm tính đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện; bảo đảm nguồn cung và giá cả nhiên liệu (than, khí, LNG, dầu…) và năng lực dự trữ, bảo đảm an ninh năng lượng trong thực hiện Quy hoạch điện VIII; nhu cầu sử dụng đất, hiệu quả kinh tế - xã hội; nhu cầu nguồn vốn và cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển; chuyển dịch cơ cấu năng lượng, lộ trình, tính khả thi để thực hiện cam kết COP26 trong Quy hoạch điện VIII; những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án phát triển năng lượng trọng điểm và giải pháp tháo gỡ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khẳng định, việc lập Quy hoạch điện VIII rất khó vì có nhiều mục tiêu, cung – cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng trên thế giới đang có những thay đổi về chất. Quy hoạch này cũng chịu rủi ro về thay đổi công nghệ, địa chính trị trên thế giới, cũng như rủi ro chính sách. Do vậy, các đại biểu ủng hộ tinh thần quy hoạch phát triển điện mang tính động và mở, thích ứng với bối cảnh các đối tác lớn đang và sẽ thực thi các tiêu chuẩn khắt khe về đánh thuế cacbon trong hàng hóa nhập khẩu, cũng như sự phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới.
Một số ý kiến lưu ý, Quy hoạch điện VIII phải phù hợp với Quy hoạch Quốc gia, quy hoạch tỉnh, ngành và đảm bảo kinh tế môi trường; tập trung vào các giải pháp, những vấn đề lớn trong bối cảnh mới. Ngoài ra, nguồn lực để thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng cần chú ý kêu gọi thêm khu vực kinh tế tư nhân tham gia. Các đại biểu cũng nhấn mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch điện VIII một cách rõ ràng và tăng cường tính độc lập, tự chủ của ngành điện.
Dù dự thảo Quy hoạch điện VIII đến nay đã được xây dựng, tính toán kỹ lưỡng, song cũng có ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu cơ cấu tiêu thụ trong tổng điện năng thương phẩm để có định hướng tiêu thụ cho từng ngành, lĩnh vực; cơ cấu sản xuất điện trong từng giai đoạn, đặc biệt chú trọng cơ cấu của điện tái tạo; xem xét bổ sung chỉ tiêu về cường độ điện năng, tỷ trọng cường độ điện năng/GDP bên cạnh hệ số đàn hồi điện năng; bổ sung một số chỉ tiêu về nguồn năng lượng sơ cấp cấp cho điện (dầu khí, LNG, than) để có kiểm soát từng năm và từng giai đoạn.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi ghi nhận các ý kiến hết sức đa dạng, phong phú và sâu sắc về quá trình lập, trình duyệt và các nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch điện VIII. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Báo cáo tổng thuật hội thảo và báo cáo lãnh đạo Đoàn giám sát, Lãnh đạo Quốc hội.