Ngày 8 - 9.2, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, thành phố New York, Hoa Kỳ, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự Phiên điều trần nghị viện tại Liên Hợp Quốc về chủ đề “Chấm dứt xung đột: giải pháp cho tương lai hòa bình”.
Phiên điều trần do Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) chủ trì, với sự tham dự của Tổng Thư ký IPU, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và hơn 300 đại biểu của 70 nghị viện thành viên IPU và các tổ chức quốc tế.
Phiên điều trần tập trung thảo luận 6 chuyên đề với sự tham gia của hơn 20 diễn giả, nêu bật những thách thức mà thế giới đang đối mặt như: xung đột tại nhiều khu vực; tình trạng mất an ninh lương thực; bất bình đẳng đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; xu hướng chạy đua vũ trang, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh chóng, phức tạp; chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đe dọa sự phát triển của nhân loại, đòi hỏi mức độ hợp tác sâu sắc hơn.
Các diễn giả đã khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên Hợp Quốc giữ vai trò trung tâm.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis nhấn mạnh những thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu và đại dịch đến vấn đề an ninh lương thực và xung đột vũ trang bạo lực; cho rằng “những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay là quá lớn, vượt qua biên giới và đè nặng lên bất kỳ quốc gia nào - dù lớn hay nhỏ - không quốc gia nào có thể giải quyết một mình”; kêu gọi tất cả các quốc gia “tăng cường hợp tác, cùng nhau hành động trên nhiều lĩnh vực và hợp tác với nhiều bên liên quan”.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nêu rõ, các chương trình nghị sự toàn cầu không thể thành công nếu không có sự ủng hộ, nỗ lực và tiến bộ của từng quốc gia. Trong những nỗ lực quan trọng đó, các nghị viện, nghị sỹ đóng vai trò quan trọng, trước hết là thúc đẩy cải cách, đổi mới chính sách trong nước để tạo thuận lợi thực hiện và giám sát thực thi các cam kết quốc tế.
Chủ tịch IPU Tulia Ackson nhấn mạnh chủ đề và 6 nội dung chính của Phiên điều trần Nghị viện năm 2024 phù hợp với ưu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về hòa bình và nội dung của “Hiệp ước vì tương lai” dự kiến được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về tương lai (tháng 9.2024), cũng như trọng tâm và ưu tiên của IPU trong năm 2024 về hòa bình và an ninh quốc tế; nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của IPU về “Xem xét lại và điều chỉnh lại cách tiếp cận các tiến trình hòa bình nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài” được thông qua tại Đại hội đồng IPU lần thứ 144 (tháng 3.2022) và báo cáo Chương trình nghị sự chung của Liên Hợp Quốc, trong đó có báo cáo tóm tắt chính sách của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về đề xuất Chương trình nghị sự mới vì hòa bình, trong bối cảnh có nhiều thay đổi về địa chính trị với hơn 50 cuộc xung đột đang diễn ra trên khắp thế giới và nguy cơ xung đột ngày càng gia tăng.
Phiên điều trần nghị viện tại Liên Hợp Quốc cũng góp phần “thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững, đối thoại nghị viện, phát huy vai trò của Liên Hợp Quốc và các diễn đàn đa phương khác”.
Các đại biểu đánh giá cao nội dung Phiên điều trần, đặc biệt là bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Chủ tịch IPU; thể hiện cam kết mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc và IPU nhằm phát triển quan hệ đối tác giữa hai tổ chức.
Trong khuôn khổ Phiên điều trần, Đoàn Việt Nam đã tham gia phát biểu tại 4 Phiên thảo luận.
Về chủ đề “Tương lai của hòa bình và an ninh: Từ ý tưởng đến hành động chung” và “Thúc đẩy thực thi pháp luật và tôn trọng luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu”, Trưởng đoàn Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy pháp quyền ở các cấp độ, bao gồm việc tiếp tục thảo luận, đàm phán xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc tế để đối phó với các thách thức mới; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; hết sức coi trọng vai trò của các thể chế đa phương, tham gia tích cực và trách nhiệm vào các thể chế đa phương.
Trưởng đoàn Việt Nam cũng đề nghị các quốc gia cần tiếp tục duy trì cam kết mạnh mẽ, đóng góp cho công việc chung của cộng đồng quốc tế; thể hiện ở việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế và việc tăng cường phối hợp trong xử lý các thách thức toàn cầu; IPU cần phối hợp chặt chẽ với các nghị viện thành viên thực thi các khuyến nghị của mình, cùng Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực tiếp tục các giải pháp xây dựng, củng cố lòng tin, phát huy ngoại giao phòng ngừa, góp phần xây dựng và gìn giữ hòa bình trên thế giới…
Phát biểu tại Phiên thảo luận về "Giảm nhiệt độ: biến đổi khí hậu và xung đột do biến đổi khí hậu gây ra", Đoàn Việt Nam khẳng định vấn đề an ninh môi trường, biến đổi khí hậu không chỉ đe dọa đến an ninh quốc gia trong phạm vi một hoặc nhiều nước, mà còn đe dọa đến toàn thể nhân loại, đòi hỏi phải có sự nỗ lực hợp tác hành động của nhiều quốc gia để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; kiến nghị các quốc gia cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thông qua cơ chế, phương thức đa tầng, đa dạng, linh hoạt; thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương cùng xử lý những vấn đề xảy ra đối với an ninh phi truyền thống; phối hợp trong chia sẻ thông tin, đưa ra những cảnh báo sớm về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu có tính lan tỏa xuyên biên giới, toàn cầu; xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trên cơ sở khung hành động được thống nhất giữa các quốc gia; tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, ngăn ngừa nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Về nội dung "Vai trò của phụ nữ và thanh niên trong hoạt động vì hòa bình", Đoàn Việt Nam khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và thanh niên là một trong những ưu tiên quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh tại các diễn đàn đa phương; trong nhiệm kỳ là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2008 - 2009; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; trong thiết lập các khuôn khổ của ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh; trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình; chia sẻ thông tin về quá trình hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia đầu tiên của Việt Nam về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh với cách tiếp cận tổng hợp, xuyên suốt trên cả 4 trụ cột của Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam.
Hội nghị cũng lắng nghe giới thiệu về Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về tương lai (tháng 9.2024), nơi các nhà lãnh đạo đưa ra những hướng đi, khuyến nghị nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
+ Bên lề Phiên điều trần, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đã gặp gỡ Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, Trưởng đoàn Quốc hội/Nghị viện các nước Italy, Cuba, Hàn Quốc và một số nghị viện thành viên IPU.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại chúc mừng IPU tổ chức thành công Phiên điều trần; khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động của IPU nhằm thúc đẩy ngoại giao nghị viện đa phương, trước mắt là tham dự Đại hội đồng IPU 149 tại Geneva, Thuỵ Sỹ.
Tại cuộc gặp song phương với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội/Nghị viện các nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong thời gian qua giữa Việt Nam và các nước; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và giữa các ủy ban, các nhóm nghị sỹ hữu nghị của các nước với Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng nhấn mạnh, các hoạt động đa phương có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ hội để các nước gặp gỡ, đối thoại, tăng cường quan hệ song phương, cũng như tạo nền tảng cho các sáng kiến, giải pháp đối với các vấn đề toàn cầu.
Các bên cũng chia sẻ cần đổi mới cách tiếp cận đối với các thể chế đa phương ngày nay, đưa những khuyến nghị của IPU trở thành thực tiễn đối với các nghị viện thành viên.
Nhân dịp này, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã làm việc với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc về tình hình cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, những vấn đề cần quan tâm và kiến nghị chính sách, pháp luật về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; trao đổi khả năng thăm song phương của Lãnh đạo cấp cao Quốc hội trong năm 2024 và tham dự buổi giới thiệu ẩm thực Tết nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và chào mừng Nghị quyết của Đại hội đồng công nhận Tết Nguyên đán là ngày lễ của Liên Hợp Quốc do Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tổ chức.