Chiều 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cho rằng, sau đại dịch COVID, với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới rất chú ý và rất nhiều các nhà du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư, kinh doanh đang lần lượt có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư, kinh doanh của nước ta… Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội “chúng ta lại không đạt được thành quả, vì chính sách visa chưa đủ cởi mở và chúng ta là nước "đi trước về sau" trong lĩnh vực này.
Về việc nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày (Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam), đại biểu Lộc đề nghị "nâng lên tối thiểu 15 đến 60 ngày, vì chúng ta nâng lên 45 ngày là mức bình quân trong khu vực, nhưng tôi nghĩ mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta. Tiêu chuẩn của chúng ta là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực này. Nếu 45 ngày là tương đương với mức trung bình trong khu vực, nên tôi đề nghị nâng lên 60 ngày để đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN”.
Tương tự như vậy, về việc Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân hiện nay là 25 nước… đại biểu Lộc cho rằng “thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực", đại biểu cũng đề nghị nên quyết định mở rộng diện đơn phương miễn thị thực trong đợt này, đồng thời với việc mở rộng danh sách chúng ta cho áp dụng thị thực điện tử”.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương cho công dân của 25 nước là khá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Dẫn việc, Malaysia miễn thị thực cho công dân của 162 nước, Philippines miễn 557 nước, Indonesia miễn 169 nước, Thái Lan miễn 68 nước. Đại biểu, đề nghị Chính phủ tiến tới việc xem xét thí điểm công nhận thị thực của nước thứ ba nếu điều kiện cho phép vào thời điểm thích hợp.
Về nâng thời hạn thị thực điện tử, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm xúc tiến đầu tư. Đại biểu đề nghị, “dự thảo luật để mở rộng diện các nước vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng có giá trị một lần hoặc nhiều lần”.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, thay vì ghi 3 tháng “nên ghi "90 ngày" vì “các nước khi cấp thị thực ngắn hạn họ đều ghi ngày chứ không ghi tháng và thị thực này có giá trị một lần trở thành có giá trị một hay nhiều lần. Điều này rất thuận lợi”.
Trước đó, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình Dự án Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo luật mở rộng đối tượng áp dụng so với luật hiện nay. “Ngoài áp dụng với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, luật này còn áp dụng với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược “bỏ vân tay”; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân…
Theo Bộ trưởng Công an, việc thay đổi, cải tiến này để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. “Với những thẻ căn cước công dân đã cấp vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. “Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp”, ông Tô Lâm trình bày trước Quốc hội.
Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện. Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân “cơ bản không tác động đến người dân”. Quy định mới trong dự thảo hạn chế việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ căn cước và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp điện tử.