Tài xế mở ở cửa ô tô bất cẩn làm cô gái chết thảm có thể bị phạt đến 5 năm tù?

Đ.Việt| 03/08/2017 17:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dư luận đang quan tâm đến vụ việc tài xế lái xe ô tô đang đậu trên đường bất ngờ mở cửa không quan sát dẫn đến việc một cô gái không kịp xử lý ngã xuống đường và bị xe buýt cán tử vong.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào chiều 31/7 trên đường Phan Đình Phùng đoạn trước cổng chợ Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương). Nạn nhân là chị Huỳnh Bảo N. (26 tuổi, ngụ Bình Dương).

Tài xế mở ở cửa ô tô bất cẩn làm cô gái chết thảm có thể bị phạt đến 5 năm tù?

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh Dân trí

Theo thông tin ban đầu, khoảng 14h cùng ngày, chị Huỳnh Bảo N. điều khiển xe máy lưu thông trên đường Phan Đình Phùng hướng về đường Cách Mạng Tháng Tám. Khi đi đến trước cổng chợ Lái Thiêu thì có một chiếc ô tô 4 chỗ đậu bên lề đường, người đàn ông trên xe ô tô bất ngờ mở cửa khiến chị N. không kịp xử lý, loạng choạng tay lái rồi ngã ra đường.

Cùng thời điểm, xe buýt do tài xế Lê Phước Tr. (49 tuổi) điều khiển chạy tới không kịp xử lý đã cán qua người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau tai nạn, người đàn ông trên xe ô tô 4 chỗ đã rời khỏi hiện trường. Nhận tin báo, Công an thị xã Thuận An và các lực lượng chức năng đã có mặt khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân.

Lỗi do người tài xế ô tô

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về vụ tai nạn trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm,  (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết lỗi của người lái xe ô tô đỗ ven đường mở cửa không quan sát đã vi phạm Khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải thực hiện quy định: Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

Theo ông Thơm, để đảm bảo an toàn cho bản thân và tránh gây tai nạn, tài xế điều khiển ô tô cần dừng đỗ đúng nơi quy định, tránh gây cản trở giao thông. Khi mở cửa xe, người trên xe ô tô cần chú ý quan sát qua gương chiếu hậu. Khi thấy đủ điều kiện an toàn thì mở cửa từ từ và phải đóng cửa lại ngay sau khi bước xuống.

“Hành vi mở cửa xe không quan sát này của lái xe ô tô đã có mối quan hệ nhân quả dẫn tới cái chết của chị N. Do đó, người điều khiển ô tô này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 và theo Điều 280 Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018”. Ông Thơm phân tích.

Đồng tình với quan đểm trên, Thạc sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp) cho rằng hành vi của người tài xế ô tô là hành động bất cẩn, vi phạm nguyên tắc cơ bản trong đào tạo lái xe.

Theo luật sư Cường, nếu cơ quan Công an kết luận người tài xế ô tô mở cửa xe bất cẩn dẫn đến hậu quả là gây chết người thì tài xế ô tô sẽ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại điều 202 BLHS năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù.

Ngoài ra, tài xế còn bị xử phạt theo điểm đ, khoản 3, điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định người điều khiển phương tiện không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn. Mặt khác người tài xế cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất về mặt tinh thần cho nạn nhân với số tiền không quá 100 tháng lương, đồng thời chịu khoản tiền cấp dưỡng cho người thân nếu nạn nhân có con chưa đủ 18 tuổi.

Trách nhiệm của người lái xe buýt đến đâu?

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng tài xế xe buýt không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về mặt hành chính cũng như hình sự bởi đây là tình huống bất ngờ.

Luật sư Cường chia sẻ, về phía nạn nhân, nếu cơ quan chức năng chưa vào cuộc điều tra, xử lý, gia đình có thể làm đơn trình báo để cơ quan Công an xem xét điều tra, làm rõ trách nhiệm của người tài xế lái xe ô tô.

Trong một chiều hướng khác, luật sư Nguyễn Anh Thơm khẳng định tài xế xe buýt sẽ không phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn nếu cơ quan điều tra xác định, tai nạn là sự kiện bất ngờ với tài xế này.

Ông Thơm dẫn chứng, Điều 11 Bộ Luật hình sự 1999 nêu rõ, người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.  

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài xế mở ở cửa ô tô bất cẩn làm cô gái chết thảm có thể bị phạt đến 5 năm tù?