Tòa án địa phương

TAND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

An Dương 24/01/2024 - 14:35

Ngày 24/1, TAND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương chủ trì Hội nghị.

Tham gia hội nghị có bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Bình Dương; đại diện Ban Pháp chế HĐND, các cơ quan nội chính; Sở Lao động, thương binh, xã hội; Hội Luật gia; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Đoàn Luật sư; chuyên gia các trường đại học; lãnh đạo các Tòa chuyên trách và TAND các huyện, thị xã, thành phố thuộc TAND hai cấp tỉnh Bình Dương.

h1.-chanh-an-tran-thanh-hoang-phat-bieu-khai-mac.jpeg
Ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương thông tin về việc TANDTC thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (viết tắt là dự án Luật).

Dự án Luật sẽ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Hiến pháp về giáo dục và bảo vệ trẻ em; giải quyết được những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên; phù hợp với kinh nghiệm quốc tế là xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

Dự thảo Luật gồm 175 điều, được bố cục thành 05 phần, 11 chương. Phạm vi điều chỉnh gồm: Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

h2.-pho-truong-doan-dai-bieu-qh-phat-bieu.jpeg
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị.

Ông Đặng An Thanh, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Dương mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến liên quan đến các vấn đề: Biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; thời điểm gửi văn bản đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; các loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên; thủ tục tố tụng thân thiện; các biện pháp ngăn chặn; thu hẹp các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam; điều phối tư pháp người chưa thành niên, người làm công tác xã hội…

h3.-pho-chanh-an-dang-an-thanh-phat-bieu-jpeg.jpeg
Ông Đặng An Thanh, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Dương nêu các vấn đề cần góp ý về dự thảo Luật.

Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự thảo Luật và đóng góp thêm một số ý kiến. Đại diện Trường Đại học Thủ Dầu Một nêu ý kiến: Dự thảo Luật liên quan đến rất nhiều Bộ luật, Luật, nên xem xét tính hệ thống, đồng bộ để hạn chế sự chồng chéo hoặc mâu thuẫn. Khi Bộ luật đã quy định rồi thì không nên đưa vào dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính thống nhất. Đại diện VKSND tỉnh Bình Dương nêu một số ý kiến đóng góp mục 5 về hình phạt, cho rằng cần theo phương án 1.

Đại diện Sở Lao động, thương binh và xã hội kiến nghị đưa vào dự thảo Luật các quy định về người làm công tác xã hội, hoạt động hỗ trợ tư pháp cho người chưa thành niên.

Đại diện Hội Luật gia góp ý Điều 111-136 về sự có mặt của cha mẹ, người giám hộ. Thực tiễn có những vụ việc, đại diện giám hộ không có mặt, nay cần có biện pháp cụ thể nhằm triệu tập họ để thuận lợi giải quyết, để tạo thuận lợi cho các cơ quan tố tụng.

h4.-dai-dien-vks-phat-bieu.jpeg
Đại diện Viện kiểm sát nêu ý kiến về dự thảo Luật.

Đại diện Ban Pháp chế HĐND đánh giá cao dự thảo Luật, các Tờ trình chi tiết về mục đích ban hành, bố cục dự thảo, tinh thần xây dựng rất tiến bộ; đồng thuận về việc xử lý chuyển hướng, bãi bỏ hình phạt tiền vì thể hiện sự bất bình đẳng với người chưa thành niên…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đánh giá cao các ý kiến đóng góp, đồng thời cho rằng cần hoàn thiện quy định về việc luật sư tham gia bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội.

Qua khảo sát thấy số luật sư tham gia còn rất thấp, cần bổ sung, nghiên cứu, điều chỉnh. Ngoài ra, cần rà soát lại các Bộ luật, Luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, để dự thảo Luật hoàn thiện, đi vào cuộc sống.

h5.-dai-dien-hoi-lien-hiep-phu-nu-phat-bieu.jpeg
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ nêu ý kiến về dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương chân thành cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến về dự thảo Luật. Hội nghị đã hoàn thành tốt chương trình với rất nhiều lượt góp ý chất lượng, phần lớn đều đồng tình với dự thảo Luật.

“Đó là những kiến thức quý báu, chúng tôi trân trọng tiếp thu, trình lên TANDTC xem xét, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Luật” - Chánh án Trần Thanh Hoàng bày tỏ và mong muốn TAND tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến từ các cá nhân, tổ chức để dự án Luật sẽ ngày càng hoàn thiện, thực tiễn, đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên