Hầu hết trường hợp mắc bệnh do không tiêm, hoặc chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ khiến trẻ chưa có đủ miễn dịch.
Hiện nay dịch sởi đang rải rác xuất hiện tại nhiều địa phương. Nhiều nhất là Hà Nội, với số ca mắc cao gấp gần năm lần so với cùng kỳ năm 2017. Ðáng chú ý, các ca mắc sởi phần lớn do chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh sởi xuất hiện rải rác quanh năm, thường phát triển mạnh vào mùa đông - xuân, nhưng năm nay nhiều ca bệnh sởi xuất hiện vào thời điểm mùa thu. Bệnh viện Nhi T.Ư đang điều trị cho nhiều ca mắc sởi nặng hơn mức trung bình các năm trước. Trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy...
Tương tự, thời gian gần đây, số lượng trẻ sốt cao, nổi mẩn, nghi sởi đến khám và điều trị ở Khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) có chiều hướng tăng mạnh. Người bệnh chủ yếu tập trung ở các quận: Ðống Ða, Hà Ðông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm… Hầu hết trường hợp mắc bệnh do không tiêm hoặc chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ cho nên chưa có đủ miễn dịch.
Sởi là căn bệnh thường gặp ở trẻ trên chín tháng tuổi, còn dưới độ tuổi này, trẻ ít mắc sởi. Nhưng hiện nay, nhiều trẻ mắc sởi cả trước khi tiêm vắc-xin phòng bệnh và ngay sau khi sinh. Ðiều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trẻ dưới chín tháng tuổi mắc sởi chứng tỏ người mẹ không có kháng thể tốt cho nên không truyền được cho con, dẫn tới trẻ dễ mắc bệnh.
Bác sỹ khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện E.
Qua các nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong vòng ba tháng đầu, các bé còn một lượng kháng thể nhất định, nhưng từ ba tháng tới sáu tháng đã giảm hai phần ba lượng kháng thể của mẹ truyền cho và từ sáu tới chín tháng, các cháu không còn kháng thể từ mẹ. Phụ nữ tuổi sinh sản chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vắc-xin sởi hoàn toàn có thể đến các cơ sở y tế để tiêm phòng trước khi mang thai, giống mũi tiêm vắc-xin cúm, vắc-xin ngừa Rubella.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, những năm gần đây, ở nước ta nhiều phụ huynh thực hiện phong trào "anti vắc-xin" - không cho trẻ tiêm vắc-xin vì cho rằng, tiêm vắc-xin có hại và dẫn tới những biến chứng cho trẻ nhỏ. Ðiều này rất nguy hiểm bởi năm 2014, tại các tỉnh, thành phố phía bắc đã trải qua dịch sởi nghiêm trọng khiến nhiều trẻ chết. Do vậy, biện pháp tốt nhất phòng tránh bệnh sởi cho trẻ là tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Ðây là một trong 10 loại vắc-xin bắt buộc mà trẻ phải được tiêm trước năm tuổi. Nếu không thực hiện nghiêm ngặt, trẻ sẽ bị nhiễm sởi và lây lan ra cộng đồng.
Các chuyên gia cũng cho rằng lịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ chín tháng tuổi là hợp lý. Tuy nhiên đối với từng cá nhân cụ thể, trong trường hợp mẹ chưa từng bị mắc sởi, lo sợ sẽ không truyền được kháng thể tốt cho trẻ thì có thể tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ sáu tháng tuổi.
Nhưng việc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trước chín tháng tuổi không khuyến cáo rộng rãi, chỉ áp dụng tiêm cho những trẻ ở các vùng có nguy cơ và phải có sự chỉ định của ngành y tế ở địa phương đó. Nếu trẻ tiêm vắc-xin sởi trước chín tháng tuổi mà lại bỏ mũi tiêm nhắc lại khi chín và 12 tháng tuổi thì trẻ này sẽ có nguy cơ mắc sởi nhiều hơn so với trẻ chỉ tiêm vắc-xin sởi đúng khi chín tháng tuổi. Hiện, vắc-xin sởi do Việt Nam sản xuất đã được đưa vào hướng dẫn sử dụng tiêm cho trẻ dưới chín tháng tuổi, dự kiến khoảng quý IV-2018 sẽ tiêm cho những vùng có chỉ định.