Đời sống

Nỗ lực bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người lao động

N.T.D 10/04/2024 - 09:55

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, năm 2023, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Theo đó, trong năm qua có tới 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn. Trong số các ngành nghề để xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người, lĩnh vực xây dựng chiếm 18,27% tổng số vụ và 20,03% tổng số người chết; lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 16,14% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết.

eggw(1).jpg
Ảnh minh họa.

Ước tính thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động là hơn 16.357 tỷ đồng (tăng khoảng 2.240 tỷ đồng so với năm 2022); thiệt hại về tài sản trên 722 tỷ đồng (tăng khoảng 454 tỷ đồng so với năm 2022).

Trong công tác phòng ngừa rủi ro trong lao động, nhóm các hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh luôn được quan tâm, chú trọng.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã chủ động đẩy mạnh công tác này, qua đó phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa những nguy cơ mất an toàn, vệ sinh, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trung ương đã đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại Hà Nội, Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 dự kiến sẽ được tổ chức vào 8h ngày 19/4 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Nhân dịp này, không chỉ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động, Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động…

Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động không chỉ tập trung tổ chức trong ngày phát động, trong tháng 5, mà đây phải là công tác thường xuyên, liên tục. Có thể tin tưởng rằng với sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì nguy cơ mất an toàn và vệ sinh lao động sẽ được kiểm soát kịp thời, từ đó giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như tính mạng của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người lao động