Với người lính, cây súng, mẩu đạn, mảnh bom... đã quá quen thuộc. Hơn 20 năm qua, tôi không ngừng tìm kiếm, ôm trọn những kỷ vật như ôm chính đồng đội của mình" ...
Đó là lời bộc bạch tận đáy lòng của người cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Mạnh Hiệp, trú phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội).
Năm 1967, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường ra chiến trận, thuộc Sư đoàn 320, mặc dù ông thuộc diện được miễn nhập ngũ vì có anh trai hi sinh trên chiến trường.
Ông Hiệp cùng những kỷ vật của đồng đội
Trải qua những trận đánh cam go, ác liệt, ông cùng Sư đoàn 320 và các đồng đội đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, khiến kẻ địch khiếp sợ.
Cuối năm 1969, trong một lần địch đánh úp bằng mưa bom, ông bị trọng thương và được đưa về đoàn an dưỡng 580.
Sau những tháng ngày điều trị kéo dài, sức khỏe dần bình phục, ông tình nguyện xin làm cán bộ khung, chuyên huấn luyện, chuyển quân cho các đơn vị khác.
Hơn 1.000 kỷ vật được ông trưng bày tại nhà mình
Năm 1972, ông được điều về làm ở Bộ Văn hóa, rồi Bộ Giao thông vận tải cho đến lúc nghỉ hưu. Sau ngày đất nước thống nhất, ông ngồi ôn lại kỷ niệm, rớt nước mắt khi nhớ tới những đồng đội cũ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.
Nhìn những kỷ vật của bản thân, ông nhớ những kỷ vật của bao đồng đội, vì thế hơn 20 năm qua, ông đã không quản ngại đường xa, gian khổ, trở lại chiến trường xưa, thu thập những kỷ vật như: Quả bom, mảnh đạn, cặp lồng, mũ cối, dép cao su, bình đựng nước....đưa về trưng bày trong chính ngôi nhà của mình, biến nó thành "Bảo tàng chứng tích chiến tranh".
Những vỏ bom lớn đậm chất lính
Hễ nghe ở đâu người ta phát hiện được quả bom, viên đạn, hay biết người đồng nát nào có cặp lồng, đèn pin bộ đội là ông phải tìm đến, mua bằng được đem về mới thôi. Tính đến nay, số kỷ vật trong nhà ông đã vượt qua con số 1.000 và sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong tương lai.
"Nơi đồng đội trở về"
Trao đổi với chúng tôi, ông Hiệp cho biết: "Tôi xem những kỷ vật kia như những người đồng đội thân thiết của mình, tôi lưu giữ, nâng niu từng kỷ vật, ôm trọn chúng vào lòng cho đến hết đời, tựa như tôi đang ôm từng người đồng chí, đồng đội thân thiết, đã từng vào sinh ra tử với tôi. Đó là động lực lớn nhất để tôi tạo nên một bảo tàng và mong muốn muôn đời sau biết, nhớ đến công ơn của những người không tiếc xương máu, tuổi trẻ giúp chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay".