Ngày 8/9, UBTVQH đã phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chủ trì hội nghị.
Cần công khai cơ quan trình Luật không đảm bảo chất lượng
Trình bày báo cáo chuyên đề về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chương trinh ban đầu, năm 2017 Quốc hội sẽ thông qua 23 dự án Luật, 01 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác. Tuy nhiên, từ kỳ họp thứ nhất đến nay, theo đề nghị của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, UBTVQH đã 2 lần ban hành nghị quyết điều chỉnh chương trình năm 2016 và 2017; Quốc hội ban hành nghị quyết về chương trình năm 2018 và điều chỉnh chương trình năm 2017…nên chương trình năm 2017 có những thay đổi đáng kể. Theo đó, năm 2017, Quốc hội thông qua 18 dự án luật và cho ý kiến 12 dự án luật khác.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua 12 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác; tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua 5 dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, một dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội và cho ý kiến về 12 dự án luật khác.
Toàn cảnh hội nghị
Chủ nhiệm UBPL cũng đề cập đến một số vấn đề nổi lên trong thời gian qua của công tác này. Đó là nhìn chung các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật; coi việc xây dựng pháp luật là quan trọng và đã dành nhiều thời gian, công sức để thực hiện. Quốc hội, UBTVQH, TANDTC, các cơ quan Bộ…đã ngày càng quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật với tinh thần trách nhiệm cao; Công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh có nhiều cải tiến và chất lượng hơn; Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, coi công tác xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên;…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Đây là những hạn chế đã tồn tại nhiều năm, chưa được khắc phục. Cụ thể, nhiều bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; nhiều cơ quan không thực hiện đúng tiến độ soạn thảo, trình dự án luật; ở một số dự án luật, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong chuẩn bị; kỹ thuật văn bản còn nhiều điểm chưa thống nhất; việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án có lúc còn hình thức; công tác thẩm định một số văn bản chưa được quan tâm đúng mức; thời gian Chính phủ dành cho việc thảo luận, thông qua các dự án luật vẫn còn ít; cơ quan thẩm tra trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm; việc bố trí thời gian thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật lớn, có nội dung phức tạp tại phiên họp của UBTVQH còn ngắn; nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu dài, trùng lặp ý, ít nội dung cụ thể; một số Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến còn hình thức, một số báo cáo tổng hợp ý kiến còn sơ sài.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Pháp luật đưa ra 6 kiến nghị cụ thể với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; 3 kiến nghị với Chính phủ; 4 kiến nghị với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các kiến nghị cụ thể với Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
Đáng chú ý UBPL kiến nghị công bố công khai danh sách cơ quan trình, cơ quan soạn thảo không bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án trình Quốc hội, UBTVQH trước mỗi kỳ họp của Quốc hội và coi đây là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong năm 2018.
Phải ngăn lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng chính sách
Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Mạnh Cường cũng đồng với những nội dung mà báo cáo nêu ra cũng như những bất cập, tồn tại. Hiện có hai dự án luật có vướng mắc: Luật sửa đổi bổ sung Luật lý lịch tư pháp (vì có liên quan đến Luật THAHS) và Luật PCTN sửa đổi. Theo dự kiến, Luật này đưa vào chương trình năm 2016, nhưng sau đó Chính phủ xin rút để hoàn thiện, chỉnh lý. Mới đây, UBTP thẩm tra và thấy rằng có một số vấn đề mới chưa đảm bảo điều kiện để dự án Luật được Quốc hội thông qua trong 2 kỳ họp nên các đại biểu đã thống nhất đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng dự án Luật này ở ba kỳ họp (trình và thảo luận ở kỳ họp thứ 4, thứ 5 và thông qua ở kỳ họp thứ 6).
Ủy viên thường trực, Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Mai Bộ nhận định, công tác xây dựng pháp luật cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa. Qua những lần thẩm tra thấy nhiều dự án luật chất lượng không bảo đảm, mâu thuẫn với các luật khác, nội dung sơ sài…như vậy dễ dẫn đến tình trạng thiếu khả thi khi ban hàng. Bên cạnh đó, những dự án luật trình lên chưa đảm bảo nhưng chúng ta chưa mạnh dạn trả lại. Vì vậy đề nghị, với những dự án Luật trình mà tình trạng như trên cần phải trả lại để đảm bảo chất lượng xây dựng luật được tốt hơn, trách nhiệm của các cơ quan xây dựng luật rõ ràng.
Ủy viên thường trực, Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông giải thích thêm về một số lý do khiến 32/44 luật hiện nay phương án sửa đổi, bổ sung chưa báo cáo Thủ tướng để báo cáo UBTVQH. Ngay sau phiên họp này, Bộ sẽ rà soát lại một lần nữa đề báo cáo Chính phủ về các dự án luật trên. Ông cũng cho biết, nếu để Bộ nào sửa luật của Bộ ấy khó đảm bảo việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư của doanh nghiệp hiện nay.
Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng dẫn ra một số những bất cập trong công tác xây dựng pháp luật mà báo cáo của UBPL đề cập đến. Đây cũng là vấn đề liên quan đến chất lượng văn bản luật sau khi ban hành mà người dân rất quan tâm. Ông cũng băn khoăn khi mà “lưới lọc” không hoàn hảo ngay từ dưới trước khi trình lên đến Quốc hội. Như pháp chế các Bộ ngành yếu, thực tế cho thấy có nhiều văn bản luật trình chất lượng kém bị lọt đến tận Quốc hội, nên cần phải có thái độ nghiêm túc vấn đề này. Thứ nữa là các cơ quan Bộ, ngành không tiếp thu hoặc tiếp thu hời hợt ý kiến của đại biểu góp ý; hay tình trạng cơ quan soạn thảo thường đứng trên ý kiến của ngành mình mà không tiếp thu ý kiến cơ quan thẩm định… Từ đó, ông rất tán thành với việc cần phải sửa đổi Luật ban hành văn bản để xác định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ ngành trong ban hành văn bản, xây dựng luật; tránh có lợi ích nhóm, lobby khi ban hành chính sách…
Các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc thảo luận tập thể về mỗi dự án luật, thảo luận kỹ nội dung mà bộ, ngành chuyên môn có ý kiến; nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động, đề xuất trình UBTVQH, Quốc hội xem xét đưa vào chương trình các dự án luật đã được các cơ quan có thẩm quyền giao trong các văn bản cụ thể, những dự án luật cần thiết sửa đổi hoặc ban hành mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết, khắc phục ngay những bất cập, cản trở đối với sự phát triển của đất nước.
Tại hội nghị, sau khi cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, ĐB Trần Thị Quốc Khánh có ý kiến về dự án Luật hành chính công, khi có công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng là “chưa cần thiết” ban hành luật này. Bà Khánh cho rằng, bà và thành viên Ban soạn thảo kỳ vọng đây là một dự án luật sẽ mang đến một nền hành chính công thông suốt, minh bạch, nhưng trong công văn của VPCP gửi đến mới đây cho biết ý kiến của các thành viên Chính phủ thấy rằng “chưa cần thiết” khiến cho Ban soạn thảo rất “sốc”, dù trước đó, quá trình xây dựng dự án luật các đại diện các Bộ ngành đều cho rằng đây là dự án Luật rất quan trọng, cần thiết phải ban hành. ĐB Lưu Bình Nhưỡng trong phần phát biểu ý kiến của mình về công tác xây dựng pháp luật cũng nêu vấn đề về quan điểm bất nhất của các thành viên Chính phủ về dự án Luật này. Ông cho rằng, cần làm rõ vấn đề này vì Quốc hội qua quá trình xem xét, thấy cần thiết mới ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Luật vậy nhưng Chính phủ lại có ý kiến như vậy. |