Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Bổ sung nhiều điểm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Quốc Huy| 11/03/2015 10:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) vừa được Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra ngày 6/3. Nhiều nội dung liên quan đến thẩm quyền xét xử vụ án hành chính; hay ủy quyền tham gia tố tụng... nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Phân định thẩm quyền phù hợp

Tại phiên thẩm tra, đa số đại biểu đánh giá, dự án Luật được Cơ quan chủ trì soạn thảo là TANDTC chuẩn bị tương đối công phu trên cơ sở tổ chức hội thảo, tọa đàm, đánh giá tác động, tham khảo pháp luật của một số nước, khảo sát, tổng kết thực tiễn hơn 3 năm áp dụng Luật Tố tụng hành chính hiện hành; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) năm 2014, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Về việc phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, dự thảo Luật quy định đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết vụ án…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, thẩm tra dự thảo Luật, đa số các ý kiến của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đồng tình với nội dung này, nhằm khắc phục tình trạng hiện nay việc ra phán quyết của thẩm phán Tòa án cấp sơ thẩm bị phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có sự phân tích kỹ hơn nguyên nhân tại sao chỉ chuyển thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện lên cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm để khắc phục tình trạng phán quyết của Thẩm phán không bị lệ thuộc vào chính quyền địa phương, trong khi TAND cấp tỉnh vẫn giải quyết sơ thẩm đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Bổ sung nhiều điểm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật chủ trì phiên họp

Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần có báo cáo đánh giá cụ thể số lượng án hành chính mà TAND cấp tỉnh sẽ giải quyết trong trường hợp này, để tránh tình trạng quá tải cho TAND cấp tỉnh trong việc giải quyết các vụ án hành chính.

Sau khi các ý kiến thảo luận, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đề xuất, việc phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện và cấp tỉnh TANDTC xin giữ như dự thảo và sẽ tiếp thu giải trình bổ sung để xin ý kiến UBTVQH. Thực tế cho thấy, giao Tòa án cấp huyện giải quyết những quyết định loại này qua tổng kết lại cho thấy đều bị cấp phúc thẩm sửa, hủy để giải quyết lại. Như vậy là hiệu quả không cao.

Chủ tịch UBND có được ủy quyền tham gia tố tụng?

Về cơ chế ủy quyền, dự thảo Luật quy định người ra quyết định hành chính bị kiện có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cơ chế ủy quyền quy định như dự thảo Luật hiện nay là chưa phù hợp. Vì như vậy, Chủ tịch UBND - người ra quyết định hành chính bị kiện không ra Tòa mà chỉ cử “quân” đến dự là xong.

  ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề cập đến thực tiễn trước đây cho thấy, Chủ tịch UBND hay ủy quyền cho Trưởng phòng tư pháp, hoặc Chánh Văn phòng… tham gia tố tụng tại Tòa án. Dự thảo hiện nay quy định theo hướng nếu liên quan đến đất đai thì ủy quyền cho Trưởng phòng địa chính, liên quan đến quản lý thị trường thì quản lý thị trường được ủy quyền… là phù hợp, bởi không thể nào bắt buộc mời Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tham gia phiên tòa được. Ủy quyền như vậy là hợp pháp, trong dân sự cũng được phép ủy quyền thì không có lý do gì cơ quan Nhà nước lại không được ủy quyền.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa phân tích, Điều 60 dự thảo (về người đại diện) quy định: Trường hợp người bị kiện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu phải là người có chức danh quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện.

Thực tiễn xét xử cho thấy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thường ủy quyền cho những người không có quyền quyết định, chỉ đến nghe và về báo cáo lại. Có nên đặt vấn đề buộc người đứng đầu, người ký quyết định phải ra Tòa hay không? Nếu quy định như thế thì Chủ tịch UBND chỉ suốt ngày đi hầu Tòa, không có thời gian làm việc khác. Do vậy, dự thảo thiết kế theo hướng ủy quyền, nhưng phải ủy quyền cho người hiểu biết, có liên quan đến vấn đề này, có chức năng quản lý và quyết định được.

Nếu được chấp thuận, TANDTC tiếp thu, chỉnh lý các quy định theo hướng người bị kiện phải có mặt tại phiên tòa. Trường hợp có lý do chính đáng có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng nhưng phải được Tòa chấp nhận. Người được ủy quyền phải là người có thẩm quyền giải quyết những việc có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, phải thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền… Người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về việc đó bởi nếu quy định cứng nhắc người bị kiện phải có mặt ở phiên tòa thì cũng khó khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đồng tình và cho rằng, pháp luật dân sự quy định, quyền ủy quyền là của bất kỳ ai, trừ trường hợp pháp luật cấm. Nếu Chủ tịch UBND không được ủy quyền cứ đi theo dự các phiên tòa, một năm có thể có mấy chục vụ khởi kiện thì đúng là cán bộ không thể làm được việc. Tuy nhiên, đã ủy quyền thì Tòa chỉ công nhận ủy quyền toàn bộ, người được ủy quyền chịu trách nhiệm toàn bộ quyền và nghĩa vụ của người bị khởi kiện. Vì nhiều vụ án người được ủy quyền nói chỉ được ủy quyền tham gia tố tụng thôi, còn những vấn đề khác họ không biết, không chịu trách nhiệm.

Về việc phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Nhóm nghiên cứu tán thành với việc Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm Chương VIII để cụ thể hóa quy định tại Hiến pháp năm 2013 và tại khoản 7 Điều 2 của Luật Tổ chức TAND 2014. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại các quy định về trình tự kiến nghị sửa đổi bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật (Điều 114) và trách nhiệm thực hiện kiến nghị sửa đổi bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật (Điều 115) cho hợp lý.

Đối với việc đối thoại trong tố tụng hành chính, đây là các quy định mới trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) bao gồm nguyên tắc đối thoại, thủ tục đối thoại, xử lý kết quả đối thoại nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 12 Luật Tố tụng hành chính hiện hành. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, về bản chất thủ tục này cũng giống với thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thủ tục hòa giải một cách rõ ràng, chặt chẽ và là một thủ tục bắt buộc thì theo quy định của dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), đây vẫn chưa được coi là một thủ tục bắt buộc. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định cho phù hợp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Bổ sung nhiều điểm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn