Tòa án địa phương

Thẩm phán Bùi Đức Hiệp: “Lòng trắc ẩn của Thẩm phán giúp đương sự hiểu pháp luật hơn”

Mạnh Hùng 03/05/2024 - 06:49

“Một Thẩm phán được đào tạo qua về tâm lý học sẽ là lợi thế trong quá trình giải quyết các vụ án tại tòa. Đặc biệt, lòng trắc ẩn của người Thẩm phán cũng là yếu tố giúp các đương sự, người tham gia tố tụng hiểu pháp luật hơn”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Bùi Đức Hiệp với Phóng viên Báo Công lý khi nói về nghề.

5e553c8b-c586-4d98-8c20-248959d2b427.jpeg
Thẩm phán Bùi Đức Hiệp, chủ tọa phiên tòa trong một vụ án

Đến với Tòa án như một cơ duyên

PV: Được biết, ông có hơn 20 năm gắn bó với hệ thống Tòa án. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề “cầm cân nẩy mực này”?

Thẩm phán Bùi Đức Hiệp: Trước khi về làm việc tại TAND huyện Mỹ Đức, tôi đã có thời gian trải qua nhiều công việc bên ngoài, từng đi làm bảo vệ, tiếp thị sản phẩm tới khách hàng… Đó là thời gian vàng để tôi tích lũy, tích góp các kiến thức, kinh nghiệm sống ngoài xã hội. Tôi học được kỹ năng giao tiếp, thuyết phục người khác để sau này, khi làm công tác hòa giải tại Tòa án, tôi có cách đặt vấn đề thuyết phục.

Tôi đến với ngành Tòa án như một cơ duyên. Năm đó, tình cờ đọc được một thông tin trên báo chí về việc tuyển công chức, viên chức của ngành Tòa án tỉnh Hà Tây cũ nên tôi đã làm hồ sơ nộp, qua các vòng thi phỏng vấn, thi viết về kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội, tôi đã thi đỗ.

Với tôi, đó không chỉ là sự may mắn mà còn nhờ kiến thức, kinh nghiệm mà tôi đúc kết được suốt 3 năm làm việc bên ngoài.

Hai năm tiếp theo, tôi công tác ở vị trí Thư ký tòa dân sự tỉnh Hà Tây cũ. Thời gian này, tôi được các lãnh đạo, đồng nghiệp đi trước chỉ bảo rất tận tình, từ việc ghi chép biên bản phiên tòa, một bản án một cách cầu kỳ, cẩn trọng từng câu chữ, đến việc sắp xếp hồ sơ một cách hợp lý.

Chỉ cần viết sai một từ, một dấu chấm câu, cấp trên lại yêu cầu phải viết lại cả trang. Sự nghiêm khắc ấy giúp tôi ý thức công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, chỉn chu, chi tiết và cực kỳ nghiêm túc. Rồi khi hành nghề, tôi tiếp tục truyền lại những kỹ năng cần thiết này cho những Thư ký làm nhiệm vụ kế cận.

PV: Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tham gia xét xử nhiều vụ án, vụ án nào khiến ông trăn trở mãi?

Thẩm phán Bùi Đức Hiệp: Tôi nhớ như in vụ án cách đây hơn một năm trước. Lúc đó, tôi xét xử bị cáo bị cáo buộc tội “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo này tuổi đã cao, do nhận thức hạn chế, bị kích động nên trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng ở xã Hương Sơn đã có hành vi chống người thi hành công vụ, cản trở lực lượng thi công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thi công công trình.

6b7d37b8-0e14-4b7d-9df7-8ef4d98165cb.jpeg
Thẩm phán Bùi Đức Hiệp, Chánh án TAND huyện Mỹ Đức trao đổi với PV Báo Công lý.

Tại tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội. Xét theo tính chất, mức độ phạm tội, tôi xử bị cáo án phạt tù theo đúng khung hình phạt. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm xong, tôi ngồi lại nói chuyện riêng với ông ấy. Ông ấy rất buồn, nói là không hề mong muốn điều này xảy ra. Tôi cũng phân tích về tội danh để ông ấy hiểu hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đồng thời cũng khuyên ông nên làm đơn kháng cáo.

Tại cấp phúc thẩm, bị cáo rất thành khẩn, nhận thức lỗi lầm, có nhiều yếu tố giảm nhẹ hình phạt, nên đã được HĐXX cấp phúc thẩm cho hưởng án treo.

Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, người đàn ông đã quay lại cảm ơn. Ông ấy cảm ơn tôi vì đã giúp ông nhận thức sai lầm của mình, đây cũng là bài học cho những giây phút nông nổi mà mình gây ra. Tôi cũng giải thích cặn kẽ để ông ấy hiểu hơn về luật pháp, giúp việc tuyên truyền bản án hiệu quả hơn.

Khi nghe người đàn ông này nói về việc mình được các con cho một ít tiền để bắt xe ra đây, tôi đã rất cảm động và nắm chặt tay ông ấy, rồi nói: Các bác đã không sợ hi sinh mất mát để đấu tranh vì độc lập dân tộc, để chúng cháu có cuộc sống bình yên ngày hôm nay. Vì thượng tôn pháp luật, chúng cháu phải thực hiện theo đúng quy định. Nhưng về tình cảm, chúng cháu biết ơn các bác!.

Chú trọng công tác hòa giải

PV: Được biết, ông là người đã hòa giải thành công nhiều vụ án, hàn gắn hôn nhân của hàng trăm cặp đôi đang rạn nứt. Thẩm phán có thể chia sẻ thêm về điều này?

Thẩm phán Bùi Đức Hiệp: Đó là vụ án đôi vợ chồng trẻ “suýt” ly hôn vì mâu thuẫn ngày sát Tết cách đây mấy năm. Ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ lễ của Tết Nguyên đán, người vợ trẻ bế đứa con nhỏ khoảng 3 tháng tuổi trên tay, thút thít đến tòa. Người chồng cũng đi theo sau, tâm trạng nặng trĩu.

Đứng trước sân tòa, cả hai lại mâu thuẫn, cãi nhau, khiến đứa con giật mình khóc thét. Nghe thế, tôi xuống hỏi thăm. Người vợ nghẹn ngào kể: Em vừa sinh con, không có thu nhập. Chồng em đi làm cả năm được mấy chục triệu tiền để tiêu Tết và mua bỉm, sữa cho con thì mấy ngày Tết bị rủ rê, ngồi chơi cờ bạc hết. Gia cảnh giờ đã nghèo còn túng thiếu hơn. Em chỉ nói mấy câu, mà anh ấy còn đánh, chửi em.

Người chồng cũng thanh minh: Mất tiền tôi cũng xót, cũng tiếc. Tôi bảo cô ấy đừng nói nữa, mà cô ấy còn nói hỗn. Tôi chỉ tát mấy cái mà cô ấy bỏ nhà về ngoại.

Những vụ ly hôn vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà trong phút bất đồng quan điểm, cả hai không làm chủ được cảm xúc mà quyết định ra toà hiện nay không hiếm trong các gia đình trẻ. Chỉ cần tòa thụ lý giải quyết, chắc chắn, cuộc hôn nhân của họ sẽ kết thúc. Nhưng đứa trẻ mới 3 tháng tuổi trên tay vô tội quá.

Bản thân tôi cũng là bố của những đứa con thơ. Chỉ hôm nào đi làm về muộn, các con đã gọi điện hỏi: Bố về chưa, sao bố lâu về thế! Nếu giờ cả hai ly hôn, đứa trẻ sẽ thiệt thòi.

Thiết nghĩ cuộc hôn nhân này có thể hòa giải được, tôi phân tích để cả hai vợ chồng hiểu quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái mà Luật hôn nhân và gia đình đã quy định, đồng thời cũng phân tích lỗi sai của cả hai vợ chồng trong trường hợp này.

Lúc đó, tôi có nhắc: Đầu năm sớm, hai vợ chồng về nhà suy nghĩ một tuần. Nếu vẫn quyết định ly hôn thì quay lại đây. Hai vợ chồng trẻ lại ngậm ngùi về nhà. Một tuần sau, người vợ một mình đến gặp tôi và nói: Chồng em sau hôm đó về đã xin lỗi vợ và hứa không tái phạm nữa. Em đã tha thứ cho chồng. Hiện, anh ấy lại rời quê đi làm ăn.

Nghe vậy, tôi thực sự thở phào. Tôi khuyên răn trên cương vị của một người đi trước, bởi tôi cũng đã trải qua giai đoạn của họ, đủ để biết không ai toàn vẹn, những cái tốt đều được đón nhận nhưng cái chưa tốt thì cũng nên xác định là sẽ cùng khắc phục.

Với các vụ án ly hôn, tôi đều chọn cách hòa giải đầu tiên; cố gắng tìm mọi biện pháp để hàn gắn tình cảm.

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác hòa giải tại tòa?

Thẩm phán Bùi Đức Hiệp: Theo tôi, hoạt động này giúp đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó tự họ nhận thức được đúng, sai. Thông qua đó giúp cho kết quả hòa giải đạt được cao hơn. Tự họ đưa ra phương án giải quyết với nhau, hòa giải thành thì đảm bảo quyền lợi kinh tế giúp họ hàn gắn tình cảm.

Lòng trắc ẩn - điều kiện cần của Thẩm phán

PV: Để trở thành một Thẩm phán, theo ông, cần có những yếu tố gì?

Thẩm phán Bùi Đức Hiệp: Thẩm phán là một vị trí vô cùng quan trọng, đòi hỏi nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải có chuyên môn vững chắc, có trách nhiệm với công việc. Một người say mê với công việc sẽ cố gắng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, phải có những hiểu biết xã hội rộng lớn, biết giao tiếp, có khả năng thuyết phục, kỹ năng giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa giải. Một Thẩm phán được đào tạo qua về tâm lý học sẽ là lợi thế trong quá trình giải quyết các vụ án tại tòa. Đặc biệt, lòng trắc ẩn của người Thẩm phán cũng là yếu tố giúp những người trong cuộc, các đương sự, người tham gia tố tụng hiểu pháp luật hơn, từ đó sẽ có những ứng xử chuẩn mực hơn.

Các Thẩm phán trẻ nên chú trọng kiến thức pháp lý, cần được trau dồi ở trường đại học, kèm theo đó là kỹ năng làm việc, đúng nguyên tắc nhưng phải linh hoạt khi xử lý các tình huống để vừa thấu tình vừa đạt lý.

Ngoài ra, trong các chương trình đào tạo Thẩm phán đã có các bài giảng kỹ năng, quy trình xét xử, nhưng giáo trình biên soạn trên cơ sở pháp luật là chính. Các Thẩm phán, đặc biệt là Thẩm phán trẻ cần có những kỹ năng mềm, những giáo viên là những người đang thực hiện công tác có thể truyền đạt cho người học.

Những người Thẩm phán hiện nay cần rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, tình yêu nghề, nhất là làm gì cũng phải say mê.

Tính đến hết năm 2023, Thẩm phán Bùi Đức Hiệp vào ngành được 20 năm.

Năm 2023, TAND huyện Mỹ Đức được tặng Cờ thi đua TAND. Những năm trước, đơn vị đều là tập thể lao động tiên tiến và lao động xuất sắc.

Chánh án Bùi Đức Hiệp được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở và Chiến sỹ thi đua ngành nhiều năm liền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Bùi Đức Hiệp: “Lòng trắc ẩn của Thẩm phán giúp đương sự hiểu pháp luật hơn”