Một số chuyên gia pháp lý đồng tình việc Bộ Công an đề xuất phạt nặng các tài khoản mạng xã hội có hành vi làm ra và phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhất là trong bối cảnh, thực trạng này có nguy cơ phát triển ngày càng rộng và phức tạp.
Thông tin xấu, độc, diễn ra thường xuyên trên MXH
Theo thống kê của Bộ Công an, mạng xã hội (MXH) là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật. Thời gian qua, cơ quan công an đã xử lý hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe nên hành vi này vẫn tiếp tục diễn ra.
Nhiều hội, nhóm trên MXH có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”.. Trong khi đó, hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, Youtube.
Đáng chú ý, dữ liệu thông tin cá nhân bị sử dụng, đánh cắp, công khai, trao đổi, rao bán nhằm trục lợi, chào mời khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ. Thông tin cá nhân người sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng đang bị thu thập, khai thác, sử dụng công khai bởi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử, nhiều ứng dụng lưu trữ dữ liệu tại nước ngoài.
Mặt khác, tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, rất nhiều cá nhân đã bị lừa đảo với số tiền rất lớn.
Một vấn nạn khác là tình trạng truyền bá, phát tán ấn phẩm đồi trụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong, mỹ tục; hoạt động phát tán phim ảnh khiêu dâm trẻ em gia tăng. Các đối tượng hình sự sử dụng MXH để tuyên truyền lối sống, văn hóa đi ngược lại đạo đức xã hội, coi thường pháp luật... tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên.
Thế nhưng theo Bộ Công an, nhiều hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định trong Luật An ninh mạng và một số văn bản hướng dẫn thi hành lại chưa có chế tài xử phạt.
"Hiện nay, hai hình thức xử phạt chính được áp dụng là cảnh cáo và phạt tiền. Tuy nhiên, với đặc thù của an ninh mạng, cần áp dụng thêm một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với an ninh mạng như: Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; buộc khôi phục, buộc gỡ bỏ, đính chính...", theo Bộ Công an.
Tránh chồng chéo quy định xử phạt khác
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, một số luật sư đánh giá, việc Bộ Công an đề xuất phạt nặng các tài khoản mạng xã hội có hành vi làm ra và phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật, xúc phạm, làm nhục, vu khống, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là cần thiết. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, thực trạng lợi dụng môi trường không gian mạng để thực hiện các hành vi VPPL đang diễn ra hàng ngày, có nguy cơ phát triển nhanh, trên diện rộng làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức bị xâm phạm.
Luật sư Trần Trung Kiên (Công ty Luật Kiên Trần, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc lợi dụng không gian mạng để làm ra nhằm phát tán thông tin sai sự thật, xúc phạm, làm nhục, vu khống … mà không được sự đồng ý của cá nhân/tổ chức bị xâm phạm phải được ngăn chặn kịp thời, phải có quy phạm pháp luật đủ sức răn đe nhanh, hiệu quả với các thủ tục đơn giản, gọn nhẹ. Trên cơ sở đó, các cơ quan Nhà nước, cơ quan thực thi áp dụng pháp luật có căn cứ triển khai, áp dụng.
“Về nguyên tắc thì mức xử phạt tiền càng cao thì tính răn đe càng hiệu quả. Tuy nhiên nội dung của Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực ANM cũng cần đặt trong hệ thống pháp luật về xử lý hành vi vi phạm liên quan đến An ninh mạng, gồm: BLHS sửa đổi năm 2017, Luật xử lý VPHC và các Nghị định xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực … đã được các cơ quan Nhà nước ban hành để tránh chồng chéo khi áp dụng”, Luật sư Kiên nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng kiến nghị bổ sung thêm chủ thể thực hiện hành vi là tổ chức hoặc người làm ra và điều chỉnh theo hướng cụ thể hành vi vi phạm và mối liên hệ giữa hành vi vi phạm với mục đích vi phạm để đáp ứng đúng, đủ yêu cầu răn đe của cơ quan Chủ trì soạn thảo Nghị, phù hợp với các quy định của BLHS sửa đổi năm 2017 về các tội danh liên quan đến hành vi nêu trên.
Đồng tình quan điểm trên, theo luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc đăng tải và lan truyền thông tin sai sự thật lên mạng internet, mạng máy tính, viễn thông thì hệ luỵ nhiều mặt sẽ tác động đến đời sống xã hội, là hành vi vi phạm pháp luật gây nhiễu loạn cuộc sống là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điểm d, đ, khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018.
Trong dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực An ninh mạng có chế tài xử lý các tài khoản mạng xã hội có hành vi làm ra và phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật, xúc phạm, làm nhục, vu khống, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Tuy nhiên, chế tài và hình thức xử lý tương tự như Nghị định 15/2020/NĐ-CP. “Vì vậy, cần quy định mang tính chi tiết và chuyên ngành hơn tránh chồng chéo quy định xử phạt, tránh một hành vi nhưng các cơ quan không biết nên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nào”, Luật sư Khuyên quan điểm.
Luật sư Khuyên cho biết thêm, việc lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã được điều chỉnh ở cả chế tài xử phạt vi phạm hành chính và chế tài xử lý hình sự nhưng để các quy định này đảm bảo được thực thi thì các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, phản ánh của cá nhân, tổ chức phải tổ chức giải quyết nhanh chóng, triệt để. Tránh kéo dài khiến người dân cho rằng các quy định được đặt ra nhưng không được áp dụng thực tế.
Gần 200 trang thông tin điện tử đăng ký “ẩn danh”
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 455 mạng xã hội trong nước được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật.