Mặc dù GCNQSDĐ được mang tên những cán bộ BQL rừng phòng hộ, nhưng khi đối chiếu với sơ đồ hiện trạng rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thì đất này đang thuộc rừng sản xuất do Nhà nước quản lý...
Sau khi nhận được đơn thư tố cáo của bạn đọc về tình trạng cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ biến đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước thành đất của mình, phóng viên Báo Công lý đã tiến hành xác minh. Ông Nguyễn Đức, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết: Những thửa đất số 94, 95, 96, 96b, tờ bản đồ số 4 trước đây thuộc đất của bà Mai Thị Ngọc Thỏa (nguyên nhân viên Ban quản lý). Theo bản đồ quy hoạch hiện trạng rừng năm 2008 của UBND TP. Pleiku thì phần đất này trước đây là đất lâm nghiệp, nhưng năm 2011, khi làm hồ sơ thì lại được chuyển thành đất nông nghiệp? Ông Đức cho rằng, lúc đó ông chưa nhận nhiệm vụ ở Ban quản lý nên không biết việc này.
Điều đáng nói là mặc dù biết đó là đất lâm nghiệp nhưng ông Nguyễn Đức cùng các cán bộ của Ban quản lý vẫn tiến hành mua bán phần đất được cho là cấp GCNQSDĐ sai sót này với bà Mai Thị Ngọc Thỏa. Lý giải về việc này, ông Đức cho rằng: “Ban tôi quản lý đất lâm nghiệp nhưng nhiều người dân vẫn sử dụng sản xuất và xây dựng trên đó. Thế nên, bản đồ số 53 năm 2008 của UBND thành phố là bản đồ chưa chính xác lắm”(!?).
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Đặng Văn Cườm, Kế toán trưởng Ban quản lý
Để làm rõ hơn sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Trường, Phó Trưởng phòng Tài Nguyên - Môi trường TP. Pleiku. Ông Trường cho rằng việc cấp GCNQSDĐ trên đều có hồ sơ rõ ràng, đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập muốn được xem hồ sơ cấp thửa đất trên thì ông Trường lại cho rằng không thuộc thẩm quyền và chỉ có thể cho xem bộ hồ sơ pho to chứ không cung cấp được.
Tuy nhiên, trong hồ sơ pho to, phần xác nhận của cán bộ địa chính xã Diên Phú không có ngày tháng. Giải đáp về vấn đề này, ông Trường cho rằng “chắc là trong lúc photo nó bị mất đi”(!?). Trong quá trình làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Bá Trường liên tục khẳng định: Nếu có sai sót trong quá trình cấp sổ thì là do bản đồ hiện trạng rừng năm 2008 có sai sót?
Ông Trường cũng cho biết, đối với đất lâm nghiệp mà muốn chuyển mục đích sử dụng thành đất nông nghiệp với diện tích gần chục hecta như trên thì phải có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của UBND cấp tỉnh.
Song, theo tìm hiểu của chúng tôi thì từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Gia Lai không có bất cứ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất nào trên địa bàn. Theo bản đồ quy hoạch số 53 về hiện trạng rừng năm 2008 của TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai thì thửa đất số 94, 95, 96, 96b, thuộc tờ bản đồ số 4, xã Diên Phú, TP. Pleiku là đất “đồi núi chưa sử dụng”. Thế nhưng, không hiểu cơ quan chức năng đã tiến hành “xác minh” thế nào mà đến năm 2010, những thửa đất này từ đất lâm nghiệp chuyển thành đất nông nghiệp. Đặc biệt hơn, đất này đã và đang thuộc quyền sửa dụng của một số cán bộ, nhân viên thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.