Cẩn trọng khi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu cấp

Ngô Chuyên| 21/12/2017 10:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, nhiều giáo viên, lãnh đạo nhà trường phấn khởi và đồng tình với phương án thi tuyển vào THCS.

Hiện nay, mỗi mùa tuyển sinh đến, không chỉ học sinh, phụ huynh chịu cảnh áp lực, căng thẳng mà chính các trường tuyển sinh cũng phải chịu áp lực không kém.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Trung Dũng - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, khi Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ cho tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng bài thi đánh giá năng lực, nhà trường hoàn toàn ủng hộ dự thảo cho phép các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh ....

Ông Dũng cũng chia sẻ, từ những năm trước trường đã rất mong muốn được tuyển sinh theo phương thức này. Với số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 của trường có số điểm tuyệt đối cao hơn nhiều so với chỉ tiêu.

Cẩn trọng khi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu cấp

Ảnh minh họa.

Theo ông Dũng, việc chỉ được tuyển sinh theo hình thức xét tuyển đã gây khó khăn và áp lực không nhỏ cho trường. Đặc biệt là hình thức điểm cộng từ các tiêu chí phụ làm chất lượng tuyển sinh không đạt được hiệu quả như mong muốn. Tạo điều kiện cho nhà trường thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh một cách khách quan, công bằng và hiệu quả.

“Nếu dự thảo được thông qua, trường Lương Thế Vinh sẽ có phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập 5 năm tiểu học kết hợp khảo sát qua kiểm tra viết, trắc nghiệm các câu hỏi về năng lực của học sinh để có thể chọn được đầu vào có chất lượng tốt nhất. Phương án tuyển sinh cụ thể sẽ được nhà trường xây dựng và trình lên các cấp có thẩm quyền”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho hay, bà ủng hộ phương án xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

“Bởi việc xét tuyển theo quy định “cấm mọi hình thức thi cử” của Bộ GD-ĐT từ năm 2014 đã gây áp lực không nhỏ cho trường mỗi mùa tuyển sinh khi số lượng hồ sơ đầu vào luôn vượt nhiều lần so với chỉ tiêu”, bà Kim Anh cho hay.

Đồng thời bà Kim Anh cũng  chia sẻ, năm học 2018-2019 tới, trường THCS Cầu Giấy sẽ lấy 280 chỉ tiêu. Như mùa tuyển sinh trước, số hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 6 của trường là hơn 600, chỉ tiêu cũng chỉ tương đương với năm tới.

Còn theo ông Phạm Trung Dũng, Bộ GD-ĐT cần cẩn trọng khi đưa ra những tiêu chí cụ thể cho bài thi đánh giá năng lực cũng như cách thức ra đề thi, tránh tình trạng phụ huynh quay trở lại “ép” học sinh học nhiều, nở rộ các trung tâm luyện thi… như các năm trước.

Cẩn trọng khi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu cấp

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Ảnh Hải Nam.

Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCSvà tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để xin ý kiến dư luận.

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 4 của thông tư hiện hành: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Trong khi đó, thông tư hiện hành chỉ quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”. Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Như vậy, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến được phân công mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực.

Về quy định tuyển thẳng và chế độ ưu tiên, thay vì chỉ yêu cầu “Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học” như quy định hiện hành, thì dự thảo sửa đổi thành “Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT”. Như vậy, những học sinh được tuyển thẳng phải đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh cũng có thể được như hiện nay.

Quy định về tuyển thẳng và chế độ ưu tiên trong dự thảo cũng bổ sung thêm điều 4: “Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên. Mức chênh lệch điểm cộng thêm thang 10 điểm, giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu cấp