Giáo dục

Chiều 29/11, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Minh Lý 28/11/2023 - 17:48

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều ngày mai 29/11, Bộ sẽ công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 29/11, Bộ sẽ tổ chức họp báo công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Đây là thông tin thu hút sự quan tâm dư luận xã hội. Năm 2025 là năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có rất nhiều điểm khác biệt so với chương trình giáo dục phổ thông trước đó, còn gọi là chương trình 2.000: Từ mục tiêu, quan điểm, phương pháp giáo dục, cơ cấu hệ thống cũng như các môn học, đặc biệt là ở bậc Trung học Phổ thông.

Cụ thể, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục cơ bản kết thúc ở bậc Trung học Cơ sở, bậc Trung học Phổ thông là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Do đó, học sinh bậc Trung học Phổ thông không bắt buộc phải học tất cả các môn học như chương trình cũ mà chỉ phải học bắt buộc 4 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ngoài 4 môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn học thêm một số môn học trong các môn còn lại.

nam-2025-nam-dau-tien-co-hoc-sinh-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-theo-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018..png
Năm 2025, năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Do điều chỉnh trong chương trình học, nên việc thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông đối với học sinh học theo chương trình mới cũng cần có sự thay đổi phù hợp.

Trước đó, ngày 14/11, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có phiên họp thảo luận về dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Bộ GD&ĐT đã đề xuất tại Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi. Cụ thể, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn; 2 môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Theo Bộ GD&ĐT, đây là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay.

Tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Hội đồng ủng hộ phương án 2+2. Các thành viên Hội đồng đã phân tích, làm rõ những ưu việt của phương án 2+2 như: Đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khối khoa học tự nhiên; tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...

Trước đó, Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến. Theo dự thảo, Bộ cho biết đã lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo các phương án lựa chọn là: 4+2, 3+3 và 2+2...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tiếp tục phân cấp mạnh, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tại tỉnh, thành phố mình.

Bộ GD&ĐT vẫn sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiều 29/11, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025