Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, dự kiến quý II/2023, TP.HCM cần khoảng 67.000 – 73.000 chỗ làm việc, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 21,05%, 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 58,03% tổng nhu cầu.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động quý I/2023 tại TP.HCM có nhiều biến động.
Trước khó khăn chung của nền kinh tế, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may – giày da, chế biến gỗ, bất động sản, xây dựng... bị giảm đơn hàng dẫn đến tình trạng giảm giờ làm việc, không tăng ca, người lao động giảm thu nhập.
Một số lĩnh vực khác như du lịch, nhà hàng - khách sạn, vận tải - kho bãi... có nhiều tín hiệu tích cực khi thu hút được lượng khách du lịch trong và ngoài nước.
Mặt khác, các lĩnh vực như công nghệ ô tô và công nghiệp phụ trợ, sản xuất lương thực – thực phẩm... đã nỗ lực trong việc cải tiến sản phẩm theo hướng coi trọng chất lượng để thu hút khách hàng, mở rộng thị trường ra thế giới.
Điều này đã tạo nhiều cơ hội phát triển, phục hồi kinh tế, từ đó mang đến cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là sinh viên, học sinh tốt nghiệp và người lao động có nhu cầu chuyển đổi việc làm, góp phần ổn định thị trường lao động.
Về tình hình sử dụng lao động trong quý I, có 3.916 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh chiếm 2,15%, tỷ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường chiếm 74,36%, chủ yếu ở các ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; xây dựng; vận tải kho bãi; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; thông tin và truyền thông...
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh chiếm 23,49%, chủ yếu thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; vận tải kho bãi...
Nguyên nhân do 95,87% thiếu đơn hàng, 4,13% thay đổi lĩnh vực kinh doanh.
Tính đến đầu tháng 3/2023, trong số các doanh nghiệp khảo sát, có 671 doanh nghiệp (chiếm 17,13%) có số lao động tăng, với 5.379 người so với thời điểm cuối năm 2022;
2.024 doanh nghiệp (chiếm 51,69%) không biến động lao động, tập trung ở các ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; xây dựng; vận tải kho bãi; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ...
Bên cạnh đó, 1.221 doanh nghiệp (chiếm 31,18%) có số lao động giảm, với 19.829 người, tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 36,2%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 25,39%); xây dựng (chiếm 8,27%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (chiếm 8,19%); vận tải kho bãi (4,91%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 3,6%)...
Về nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, trung tâm đã khảo sát 17.710 lượt doanh nghiệp, 74.268 chỗ làm việc và 34.634 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ với 46.692 chỗ làm việc, chiếm 62,87%; khu vực công nghiệp – xây dựng với 27.524 chỗ làm việc, chiếm 37,06%; khu vực nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản với 52 chỗ làm việc, chiếm 0,07%.
Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần 15.336 chỗ làm việc, chiếm 20,65%. Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 41.694 chỗ làm việc, chiếm 56,14% tổng nhu cầu nhân lực.
Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo chiếm 85,69%, tập trung ở một số nhóm ngành/nghề như công nghệ thông tin; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; kế toán – kiểm toán; dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển; marketing; nhân sự; hành chính – văn phòng – biên phiên dịch; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng; kinh doanh quản lý tài sản – bất động sản...
Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên chiếm 21,87%, cao đẳng chiếm 18,34%, trung cấp chiếm 24,51%, sơ cấp chiếm 20,97%. Lao động phổ thông chiếm 14,31% tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành/nghề dịch vụ du lịch – lưu trú và ăn uống; kinh doanh thương mại; dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dệt may – giày da...
Về mức lương dao động từ 5 đến trên 20 triệu đồng, kinh nghiệm làm việc từ 1 năm đến trên 5 năm…
Dự kiến trong quý II/2023, TP.HCM cần khoảng 67.000 – 73.000 chỗ làm việc, trong đó nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần 14.104 – 15.367 chỗ làm việc, chiếm 21,05%. Cụ thể, ngành cơ khí chiếm 6,03%; điện tử – công nghệ thông tin, chiếm 6,96%; chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 4,11%; hóa dược – cao su chiếm 3,95%.
Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 38.870 – 42.362 chỗ làm việc, chiếm 58,03%, trong đó ngành thương mại chiếm 17,12%; vận tải, kho bãi dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 3,09%; du lịch chiếm 3,44%; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 4,92%; Tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 7,11%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 8,42%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ chiếm 10,01%; giáo dục - đào tạo chiếm 2,51%; y tế chiếm 1,41%.
Nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm 86,92%; trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,17%; cao đẳng chiếm 18,91% ; trung cấp chiếm 27,42%; sơ cấp chiếm 20,42%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp với 13,08%...