Những sai sót nghiêm trọng trong điều tra dẫn đến án oan, sai

Mai Thoa| 25/03/2015 14:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau thời gian tiến hành giám sát oan sai trong tố tụng hình sự, Đoàn giám sát của UBTVQH đã công bố bản dự thảo báo cáo đầu tiên. Theo đó, đoàn đã chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm, có cả tình trạng bức cung, nhục hình của Cơ quan điều tra dẫn đến oan, sai…

Nhiều sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng

Theo dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt nhưng Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án các cấp đã có nhiều cố gắng, tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và nghiêm minh. Tuy nhiên, vẫn còn có những thiếu sót, vi phạm dẫn đến một số trường hợp oan, sai, có vụ rất nghiêm trọng, gây dư luận không tốt. Và, khởi đầu của những sai sót đó thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra.

Cụ thể, công tác điều tra thu thập chứng cứ đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm và giết người không quả tang còn yếu kém, thậm chí, có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Qua giám sát một số vụ án cụ thể cho thấy, quá trình khám nghiệm không thu thập, làm rõ đến cùng những dấu vết, chứng cứ quan trọng từ hiện trường, tử thi, dấu vết con người của thủ phạm như dấu chân, vân tay, sợi tóc... Có những hồ sơ vụ án cho thấy có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng  như biên bản ghi lời khai bị tẩy xóa, sửa chữa, thiếu khách quan, ngụy tạo chứng cứ, không kịp thời giải quyết khiếu nại kêu oan, đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình…

Những sai sót nghiêm trọng trong điều tra dẫn đến án oan, sai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại buổi giám sát

Dẫn lại vụ án Lê Bá Mai (Bình Phước) bị kết án về tội hiếp dâm trẻ em và giết người, ĐB Đỗ Văn Đương, thành viên đoàn giám sát cho biết, qua giám sát cho thấy, quá trình khám nghiệm hiện trường trong vụ án đã không tổ chức nhận dạng nạn nhân để xác định người bị giết có phải là cháu Út hay không; thu giữ đồ vật, tài sản không có lệnh của người có thẩm quyền, việc ghi biên bản mô tả đồ vật, tài sản thu giữ thiếu chính xác, dùng từ ngữ thể hiện tùy tiện làm cho cùng một vật chứng lại có cách hiểu khác nhau... Vụ án này không oan, nhưng chính vì những sai sót, vi phạm này dẫn đến vụ án phải xét xử đi, xét xử lại đến bảy lần, gần 10 năm mới kết thúc, gây dư luận xã hội không tốt, ông Đương cho biết.

Cũng theo Đoàn giám sát, ngoài những sai phạm cơ bản trên, hoạt động điều tra tại một số địa phương còn có thiếu sót, vi phạm tố tụng như: Biên bản ghi lời khai sơ sài, không ghi tư cách người tham gia tố tụng, cùng một thời gian điều tra viên lấy lời khai của nhiều người ở các địa điểm khác nhau; không làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của các bị can và giữa lời khai của bị can với người làm chứng, người bị hại; biên bản hỏi cung bị tẩy, sửa, thiếu chữ ký của bị can… Chính những vi phạm, thiếu sót này là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về điều tra, thu thập chứng cứ và số vụ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung còn nhiều, làm kéo dài việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ảnh hưởng đến tính đúng đắn, nghiêm minh của hoạt động tư pháp.

Đến vấn đề bức cung, nhục hình

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, một vấn đề cũng hết sức nghiêm trọng khác dẫn đến tình trạng oan sai nữa là tình trạng mớm cung, dụ cung, bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra cũng được Đoàn giám sát chỉ ra khá rõ.

Theo đó, trong ba năm qua (2011-2014), có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra (đã giải quyết 40 đơn); có 26 vụ/40 bị can nguyên là cán bộ Công an bị tố cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12/26 bị can về tội dùng nhục hình. Đáng chú ý, một số địa phương để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận. Như vụ điều tra viên ở Sóc Trăng dùng nhục hình ép bị can Trần Văn Đở và 6 bị can khác phải khai theo ý chí của mình là đồng phạm trong vụ giết người, cướp tài sản dẫn đến việc khởi tố, bắt giam oan 7 người; hay vụ 5 Công an Tuy Hòa (Phú Yên) nhục hình với 70 vết thương dẫn đến cái chết của đối tượng trộm cắp Ngô Thanh Kiều…

Bên cạnh đó có tình trạng điều tra viên đã mớm cung, dụ cung trong quá trình lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Điển hình, vụ Nguyễn Toàn Thắng (Bình Phước) bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hiếp dâm trẻ em. Điều tra viên dụ cung: “Nếu nhận tội thì sẽ cho về thi tốt nghiệp phổ thông và đại học”…

Nghiêm trọng như vậy nhưng thực tế, việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh gặp nhiều khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín. Nhiều trường hợp, chỉ khi ra Tòa bị cáo mới khai được việc mình bị bức cung, nhục hình nhưng phần lớn những lời khai này cũng chưa được HĐXX thẩm tra, làm rõ. Việc giải quyết các đơn thư tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm, ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và tiềm ẩn nguy cơ oan, sai. Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả gây ra.

Từ thực tiễn nêu trên, đoàn giám sát cho rằng nguyên nhân là do trình độ pháp luật và năng lực nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế, một số có biểu hiện thành tích, nôn nóng hoặc e ngại việc làm oan chưa điều tra đến cùng, coi trọng lời khai nhận tội mà không chú trọng việc thu thập các chứng cứ khác, còn có biểu hiện đem “nguyên tắc suy đoán có tội” thay cho “nguyên tắc suy đoán vô tội” từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội và “thà rằng bắt oan còn hơn bỏ lọt”… Có người còn giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo, đang là tội nhẹ trở thành tội nặng. VKS chưa làm hết trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ các thẩm quyền theo luật định, còn nể nang hoặc phối hợp một chiều với Cơ quan điều tra trong nhận định, đánh giá vụ án… Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên tòa còn mang tính hình thức, coi trọng “án tại hồ sơ”.

Đội ngũ người tiến hành tố tụng vừa thiếu lại vừa yếu về chất lượng. Nhiều trường  hợp vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra. Hiệu quả công tác giám định chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Có trường hợp kết luận giám định không khách quan, như tài liệu chứng cứ cho thấy khi phạm tội tham nhũng rất tinh vi, xảo quyệt nhưng khi giám định lại cho kết quả người đó bị tâm thần (vụ Trần Thị Thật, Giám đốc Bệnh viện tâm thần tỉnh Tiền Giang), gây bức xúc trong dư luận.

Cùng với đó, một số quy định của BLHS, BLTTHS còn bất cập, hạn chế, thiếu hướng dẫn, thậm chí một số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan Tư pháp Trung ương có dấu hiệu không đúng luật, gây khó khăn cho việc tiến hành tố tụng.

Theo Đoàn giám sát, có nhiều giải pháp phải thực hiện, trong đó “bảo đảm sự phối hợp giữa CQĐT, VKS phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo luật định, tránh phối hợp một chiều, phòng ngừa việc làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sai sót nghiêm trọng trong điều tra dẫn đến án oan, sai