Gặp người chiến sỹ trẻ nhất Trường Sơn năm xưa

Nguyễn Trung Thành| 28/04/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nguyễn Thanh Hà khoác ba lô vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ khi vừa mới bước qua tuổi 15. Để đủ điều kiện vào bộ đội cầm súng giết giặc, cậu học trò trường huyện này đã phải khai tăng tuổi, cân nặng của mình kèm theo một lá đơn tình nguyện.

"Xếp bút nghiên theo việc đao cung"

Tháng 4, trong không khí hân hoan đón chào lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tìm đến gặp cựu binh Nguyễn Thanh Hà, một trong những người chiến sỹ trẻ nhất Trường Sơn năm xưa. Trong căn phòng ngập tràn những kỷ vật chiến tranh ở đầu đường Láng, câu chuyện về cuộc đời của ông như một cuốn phim đầy bi tráng...

Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào hồi cam go, ác liệt. Với âm mưu muốn đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, địch tấn công ta trên nhiều mặt trận bằng không quân và hải quân. Đứng trước bối cảnh đó, Đảng và Bác Hồ đã kêu gọi cả nước cùng dốc lòng đánh Mỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, thanh niên cả nước sục sôi khí thế, rùng rùng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Trong số ấy, có cậu thiếu niên Nguyễn Thanh Hà (SN 2/9/1952), ở xã Yên Lãng, huyện Từ Liêm - nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Gặp người chiến sỹ trẻ nhất Trường Sơn năm xưa

Cựu binh Nguyễn Thanh Hà

Khi ấy, Nguyễn Thanh Hà mới tròn 15 tuổi 3 tháng, đang học lớp 8 Trường cấp III Yên Hoà. Một lần đi học, biết tin địa phương mình có đợt tuyển quân, Hà đã thức trắng đêm để viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội. Không cần viết bằng máu như những lá "huyết thư" của lớp sinh viên Văn khoa, Đại học Tổng hợp xưa kia, nhưng chỉ duy cái chuyện một cậu học trò trường huyện còn đang ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" mà đã ý thức được về trách phận làm trai sinh nhằm thời giặc giã để rồi sẵn sàng cống hiến cả tuổi trẻ, cả máu xương, sẵn sàng “vị quốc vong thân” như Hà khiến người ta rưng rưng, cảm phục.

Ngày đi khám sức khoẻ, biết thiếu tuổi, Hà đã khai tăng thêm tuổi; biết thiếu cân, Hà xin từ 38kg lên 41kg, thế là đủ tiêu chuẩn. Phải đến khi nhận được giấy báo nhập ngũ của con, bố mẹ Hà mới biết. Thôi thì "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao", ông bà đành đồng ý cho cậu con trai "xếp bút nghiên theo việc đao cung". Vậy là Hà chính thức cởi bỏ áo trắng học trò, khoác lên mình màu xanh áo lính vào đầu tháng 12/1967.

Sau 3 tháng huấn luyện tại Lạc Thuỷ - Hoà Bình, Nguyễn Thanh Hà được điều về Đơn vị C4 D421 E5 F320B. Cũng thời gian ấy, Hà vinh dự là một trong hai chiến sỹ đầu tiên được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tiếp sau đó là chuỗi ngày hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Dưới - đường rừng núi toàn tòng, trên - máy bay địch quần thảo suốt ngày đêm nhưng Nguyễn Thanh Hà dù nhỏ người và nhỏ tuổi nhất vẫn luôn là người trong tốp dẫn đầu. Biệt hiệu “Hà don” mà đồng đội đặt cho Nguyễn Thanh Hà cũng bắt đầu từ đó.

Hai tháng sau, đơn vị của Hà đặt chân đến Khe Sanh, Quảng Trị - chiến trường ác liệt nhất thời bấy giờ. Bởi, trong bản đồ quân sự của Mỹ, Khe Sanh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, nó như cái "mỏ neo", từ đây có thể uy hiếp đường Hồ Chí Minh và bảo vệ Vùng I chiến thuật. Đây là trung tâm chỉ huy của Hàng rào điện tử McNamara mà Mỹ đang xây dựng nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh. Thế nên, nếu phá hủy được cứ điểm này thì quân ta mới nhổ được "cái gai" mà Mỹ định găm vào tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nắm được vai trò chiến lược vô cùng quan trọng của Khe Sanh, nên Mỹ tập trung rất đông quân đội nhằm bảo vệ cứ điểm này, có những lúc lên đến gần 7.000 quân tham chiến. Về phía quân ta, những đơn vị với những chiến sỹ thiện chiến nhất cũng được điều động về đây nhằm đối phó với địch. Tuy còn ít tuổi, nhưng nhờ những kết quả hết sức ấn tượng trong thời gian huấn luyện và hành quân nên Nguyễn Thanh Hà được "đặc cách" xung vào C4 Bộ binh, BT 34, Đoàn 559 để tham gia chiến trường ác liệt này. Cậu học sinh trường huyện hôm nào giờ chính thức được cầm súng đánh giặc. Quả là “Múa gươm rượu tiễn chưa tàn/Ngang lưng ngọn giáo vào ngàn hang beo”.

Xông pha nơi "mũi tên hòn đạn"

Lúc bấy giờ, đơn vị của Hà đóng tại ngã ba Là Hạc, bao quát cả một vùng rộng lớn từ A Vai, A Xo, A Bia (thuộc huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) sang tận Xavalakhét của nước bạn Lào. Tại đó, Nguyễn Thanh Hà cùng đồng đội nhận nhiệm vụ chốt các Cao điểm 832 (đồi Danh, cao 1232m so với mặt nước biển) nằm bên dòng Xêpon, với nhiệm vụ được giao là đánh biệt kích, tiêu diệt thám báo, đánh quân đổ bộ và nghi binh. Trong các nhiệm vụ đó, nhiệm vụ nghi binh là nguy hiểm nhất, thường được bộ đội Trường Sơn ví là “vuốt râu hùm”. Nhiệm vụ chỉ dành cho những người có "lá gan lớn". Bởi lẽ, khi đó, Hà cùng với những đồng đội phải tìm mọi cách thu hút hoả lực của địch về phía mình, để giảm bớt những đợt tấn công của địch xuống các con đường giao liên, vận tải và các kho tàng dọc Trường Sơn.

Ban đầu, Hà “don” cùng đồng đội dựng những kho giả, trận địa giả và đốt khói. Ngay lập tức, bom đạn ném xuống như mưa. Sau mỗi đợt tấn công như thế, địch dùng máy bay thám báo để chụp lại hình ảnh những nơi đã đánh bom. Không thấy có vệt xe, chúng biết mình trúng kế. Từ đó, chúng liên tục chuyển mục tiêu ném bom. Để tiếp tục thu hút được hoả lực của địch, Hà cùng đồng đội đã nghĩ ra một cách: Đốt lửa rồi dùng lá cây quạt khói và dùng bánh xe lăn đi lăn lại tạo nghi binh. Kẻ địch lại tiếp tục mắc lừa.

Gặp người chiến sỹ trẻ nhất Trường Sơn năm xưa

Khách sạn mang tên Trường Sơn

Cứ thế, đơn vị của Hà làm tiêu hao không biết bao nhiêu là bom đạn của địch. Chúng không thể ngờ rằng, những người chiến sỹ Trường Sơn ấy tuy mới tuổi mười tám, đôi mươi, thậm chí mới quá tuổi 15 vài tháng như Hà “don” nhưng lại có thừa lòng dũng cảm, sự gan dạ và trí thông minh. Trong ba năm chiến đấu ở Trường Sơn, năm nào Hà “don” cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên được cấp trên khen thưởng: Bằng khen vào chiến dịch mùa khô 1968-1969, hai giấy khen mùa mưa 1969 và giấy khen 3 tháng đầu mùa khô 1969-1970.

Trong lý lịch quân nhân của Nguyễn Thanh Hà, với nét mực đã phai dấu thời gian còn ghi rất rõ lời nhận xét của cấp trên: “Đồng chí Nguyễn Thanh Hà nhập ngũ tháng 12/1967. Quá trình công tác và chiến đấu tại chiến trường tỏ ra dũng cảm, ngoan cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ…”. Cuối năm 1970, trong một lần làm nhiệm vụ, Nguyễn Thanh Hà bị thương mất một bàn tay. Sau nhiều tháng điều trị, Hà được đơn vị cho phục viên.

Đi lên từ trong khói lửa

Trở về cuộc sống đời thường với chỉ một bàn tay, trọng lượng cơ thể 37kg, 2,8 triệu hồng cầu, cùng tỷ lệ nhiễm chất độc hóa học là 81% và vô số cơn đau từ những vết thương, nhưng cựu binh Nguyễn Thanh Hà vẫn quyết không đầu hàng số phận. Bằng ý chí và nghị lực của mình, Hà đã từng bước vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật, vươn lên vượt khó làm giàu. Từ Hà “don” nhỏ thó năm nào bây giờ ông đã trở thành ông chủ của doanh nghiệp thành đạt.

Hiện nay, ông là Giám đốc Công ty TNHH Đông Hưng - một công ty chuyên sản xuất giày bảo hộ lao động và chủ nhà hàng mang tên “Hùng Láng”, vừa là nơi giới thiệu các đặc sản của mảnh đất Hà Thành, vừa là nơi đặt trụ sở của Công ty cổ phần Thương binh đồng đội - nơi giúp đỡ những cựu chiến binh và con em họ có việc làm ổn định. Ngoài ra, ông cũng là chủ của khách sạn Trường Sơn với gần 40 phòng ốc khang trang, tọa lạc ở số 5, ngõ 1160 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao không lấy tên của mình hay tên con để đặt cho khách sạn mà lại lấy tên Trường Sơn, ông Hà tâm sự: "Những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn là ký ức tôi không bao giờ quên. Ba năm, quãng thời gian đó không dài đối với cuộc đời một con người, nhưng đó là khoảng thời gian để lại nhiều cảm xúc nhất. Trong những giờ phút chiến đấu ác liệt nhất, ranh giới giữa cái chết và sự sống dường như chỉ còn trong gang tấc. So với rất nhiều đồng đội phải nằm lại chiến trường, tôi đã “lãi cả cuộc đời”. Có những đồng đội của tôi vừa mới vài giây phút trước còn nằm cạnh bên nhau mà chỉ trong tích tắc đồng hồ đã vĩnh viễn ra đi. Sự bình yên ngày hôm nay đã được đánh đổi bằng quá nhiều máu và nước mắt. Thế nên, khi đặt tên khách sạn, tôi muốn lấy tên là Trường Sơn để giáo dục, nhắc nhớ con cháu mình không được lãng quên lịch sử...".

Nói về những thành quả mà mình đã đạt được, ông Hà cũng rất đỗi khiêm nhường: "Tôi được như ngày hôm nay một phần là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất...". Giờ, khi mái tóc đã hoa râm, bên cạnh công việc kinh doanh bận rộn, mỗi dịp 30/4 hằng năm, người cựu binh Nguyễn Thanh Hà vẫn trở về chiến trường xưa nơi ông chiến đấu, thắp hương cho những người đồng đội của ông đang an nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Dù ở thời chiến hay thời bình thì tâm hồn của vị cựu chiến binh ấy vẫn luôn hồn hậu, đậm chất lính và tràn đầy nhiệt huyết…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp người chiến sỹ trẻ nhất Trường Sơn năm xưa