Bộ Chính trị kết luận về việc Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (kỳ 2)

Mai Thoa| 03/04/2014 15:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng với việc tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức TAND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận và điều chỉnh một số nội dung về quan điểm và nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Điều đó nêu trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đối với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Theo đó, sẽ giữ nguyên hệ thống tổ chức các Cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an, Quân đội và ngành Kiểm sát như hiện nay; sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ; xác định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra trong VKSNDTC, Cơ quan điều tra trong VKS Quân sự Trung ương; giữ nguyên quyền hạn và quy định rõ hơn nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm; bổ sung nội dung “kiểm soát” vào quan điểm 2.1 của Nghị quyết số 49-NQ/TW và viết lại là “quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” cho phù hợp với văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp.

Mô hình tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn

Tại Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ) cũng đã xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện bộ máy tổ chức đối với VKSND và các Cơ quan điều tra. Theo đó, đối với ngành kiểm sát, VKSNDTC đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “nghiên cứu chuyển VKS thành Viện công tố”. Tại báo cáo của BCĐ trình Bộ Chính trị đã nêu: VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Hiến pháp 2013 quy định); VKS được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức TAND. Đề án về mô hình tố tụng hình sự đã được BCĐ cho ý kiến và thống nhất đề nghị Bộ Chính trị cho áp dụng mô hình tố tụng kết hợp giữa tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn.

Thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra, VKS các cấp đã phân công kiểm sát viên bám sát quá trình điều tra vụ án; kiểm sát chặt chẽ kết hợp việc thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội, năm 2013, hoạt động của VKSND cũng có những chuyển biến đáng kể, đã giải quyết được nhiều vướng mắc, hạn chế trong hoạt động công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhiều năm qua; bám sát quá trình điều tra để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án, hạn chế tình trạng điều tra kéo dài. Công tác xét, phê chuẩn việc khởi tố bị can, bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, tạm giam bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Số người bị bắt chuyển khởi tố hình sự đạt tỷ lệ cao. Đã khắc phục phần lớn việc lạm dụng bắt khẩn cấp và hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; hạn chế đến mức thấp nhất việc bắt oan, sai và tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung; đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, giảm trường hợp khởi tố, điều tra sau đó phải đình chỉ điều tra...

Bộ Chính trị kết luận về việc Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (kỳ 2)

Đại diện Viện kiểm sát trong một phiên tòa (Ảnh: Kỳ Thư)

VKSND cũng đã phối hợp với TAND tổ chức nhiều phiên tòa mẫu; kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại Tòa đã tích cực, chủ động tham gia tranh luận với luật sư và các chủ thể khác nhằm làm rõ chứng cứ luận tội, góp phần nâng cao chất lượng xét xử.

Thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND cũng đã tập trung kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng căn cứ tạm giữ, tạm giam; phân loại giam giữ, quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù; phối hợp các ngành có liên quan thực hiện tốt công tác tư vấn đặc xá. Đồng thời, chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quản lý, giáo dục, người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ…; áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, kịp thời  phát hiện những sai sót và yêu cầu khắc phục, hạn chế những thiệt hại của đương sự.

Tuy nhiên, BCĐ cũng đánh giá, quá trình hoàn thiện tổ chức, bộ máy của VKSND vẫn còn một số hạn chế, đó là chưa phân công rõ nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên được giao thực hành quyền công tố và kiểm sát viên được giao kiểm sát hoạt động tư pháp. Việc phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng của VKSND theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho kiểm sát viên để họ chủ động trong việc thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định tố tụng của mình. Chưa có cơ chế kiểm tra từ bên ngoài đối với các hoạt động công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, hoạt động điều tra của của Cơ quan điều tra VKSNDTC.

Xác định rõ thẩm quyền điều tra

Đối với Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, với mô hình tổ chức như hiện nay, BCĐ đánh giá, có những ưu điểm là được tổ chức chuyên sâu theo nhóm tội phạm, kết hợp hoạt động trinh sát với hoạt động điều tra, khắc phục được tình trạng án tồn đọng kéo dài…

Tuy nhiên, mô hình này hiện nay cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: Còn nhiều đơn vị ở các Bộ, ngành khác nhau cùng thực hiện nhiệm vụ điều tra tố tụng; chưa xác định rõ cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất về hoạt động điều tra; việc tổ chức Cơ quan điều tra một số nơi chưa hợp lý, nhiều Cơ quan điều tra số lượng án ít nhưng vẫn phải tổ chức đầy đủ bộ máy dẫn đến lãng phí về nhân lực, ngân sách; chưa tách bạch rõ nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và điều tra tố tụng; việc kết hợp giữa hoạt động trinh sát và điều tra tố tụng chưa đúng với yêu cầu của chiến lược CCTP…

Thực hiện chiến lược CCTP và Kết luận số 79-KL/TW, BCĐ đã giao Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì xây dựng đề án tổ chức lại hệ thống Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, trong đó đưa ra ba phương án. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của từng phương án, BCĐ đã tổ chức họp cho ý kiến đề án để trình Bộ Chính trị xem xét.

Báo cáo của BCĐ cũng đã nêu rõ, cụ thể hóa nhiệm vụ tổ chức lại Cơ quan điều tra như: Giữ nguyên hệ thống tổ chức các Cơ quan điều tra chuyên trách trong CAND, QĐND và ngành KSND như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ; xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự và hoạt động trinh sát; điều chỉnh thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, cơ quan này chỉ điều tra những vụ án lớn, phạm vi địa bàn phạm tội rộng, chủ yếu tập trung vào công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra, tăng cường năng lực điều tra cho Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp huyện. Xác định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC, Cơ quan điều tra thuộc VKSQS Trung ương…

Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ của Cơ quan điều tra chuyên trách trong mối quan hệ với cơ quan được giao một số hoạt động điều tra theo hướng: Cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tất cả các vụ án hình sự, các cơ quan khác chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ và tiến hành một số biện pháp điều tra theo yêu cầu của Cơ quan điều tra chuyên trách (trừ Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm). Giao kiểm sát viên VKS các cấp quyền hạn điều tra trong những trường hợp: Chứng cứ buộc tội (do Cơ quan điều tra Công an chuyển sang) chưa chắc chắn mà VKS yêu cầu điều tra bổ sung nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và khi kiểm sát hoạt động tư pháp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm cần có chứng cứ để thực hiện việc truy tố và kháng nghị.

(Còn nữa) 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Chính trị kết luận về việc Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (kỳ 2)