“Trên nóng, dưới lạnh”

Trung Nguyễn| 02/11/2017 13:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phát biểu tham luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã gây chú ý bằng nhận xét về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ của Chính phủ.

Trong khi Chính phủ trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ.

Dẫn chứng cho nhận định “trên nóng, dưới lạnh” là tình trạng buôn lậu và phá rừng hiện nay. Mặc dù báo cáo của Chính phủ chỉ nêu được một câu là "tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra", nhưng trên thực tế, tình trạng buôn lậu đã và đang rất sôi động trên đất liền cũng như trên biển. Ông khẳng định, thiệt hại mà buôn lậu mang lại cho nền kinh tế là rất lớn, nhưng không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê, để từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Từ chuyến đi thực tế ở một số tỉnh phía Nam, đại biểu đã chứng kiến cảnh buôn lậu công khai ở một số nơi tại Long An, An Giang. Điều đáng nói là trong gần 3 ngày đi thực tế, ông không hề gặp được các lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát.

Về tình trạng phá rừng, đại biểu cho rằng, đây cũng là một minh chứng cho tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Ông cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. Ông cũng cho rằng nếu như không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy.

“Có một điều chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm, nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng, để phá rừng với lý do tận thu. Xin thưa nếu cứ đến khi có cảnh phá rừng tan hoang và lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét, cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết liệu cho đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng mới trở thành hiện thực?”. Đại Biểu cương nói.

Chuyện “trên nóng, dưới lạnh” không chỉ thể hiện ở những lĩnh vực nêu trên. Thủ tướng từ khi nhận trọng trách hơn 1 năm trước đã khẳng định phương châm Chính phủ hành động, kiến tạo và phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân. Những khó khăn, vướng mắc hay vấn đề mới nảy sinh một khi được phát hiện đều được Chính phủ và đích thân Thủ tướng giải quyết, tháo gỡ. Hồi tháng 5/2017, chỉ ít phút trước khi khép lại cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp lần thứ hai kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt bút ký Chỉ thị số 20 với nội dung không được thanh tra doanh nghiệp quá một lần trong một năm.

Chính phủ và Thủ tướng đã thể hiện đúng tinh thần nói đi đôi với làm. Song đáng tiếc là vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", chuyển động của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Điều này thể hiện ở con số 37% số doanh nghiệp vướng thanh tra, kiểm tra trong năm 2016, trong đó 13,8% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên và cá biệt có những trường hợp bị kiểm tra 9 lần trong một năm; doanh nghiệp kiếm được 100 đồng thì mất tới 10 đồng phí bôi trơn… Cùng với đó là gánh nặng thuế, phí và chi phí với doanh nghiệp có giảm so với trước nhưng còn quá cao so với mặt bằng khu vực…

Kiến tạo và hành động không chỉ thể hiện ở quyết tâm hay hành động của Chính phủ mà điều quan trọng hơn là tạo sự chuyển biến, lan tỏa ở các bộ, ngành và nhất là địa phương, để không còn "trên nóng, dưới lạnh".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trên nóng, dưới lạnh”