Tràn lan dịch vụ "chống trượt" thi bằng lái xe

Đoàn Nga| 13/03/2016 14:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lấy bằng lái xe siêu tốc..." hay "Đảm bảo đỗ 100%..." là những lời mời chào hấp dẫn nhan nhản trên mạng dành cho những người muốn có một cái bằng lái xe.

Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc do ô tô gây ra. Gần đây nhất là vụ tai nạn vào hồi 7h30 sáng ngày 29/2 trên phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Chiếc xe Camry do Nguyễn Quang Vinh điều khiển phóng với tốc độ cao đã tước đi mạng sống của ba nạn nhân, trong đó có bé gái Trần Gia Hân mới lên 6 tuổi. Vụ tai nạn đã khiến những người chứng kiến và theo dõi thông tin qua báo chí không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Khi dư luận còn chưa hết hoang mang về vụ tai nạn này thì 16h ngày 3/3, lại một chiếc taxi mất lái đâm vào hai bà cháu đang ngồi chơi ven đường, khiến cụ bà tử vong ngay tại chỗ còn cháu bé chưa đầy 2 tuổi cũng ra đi sau đó không lâu. Điều đáng nói, ở cả hai vụ tai nạn, người điều khiển phương tiện đều không có bằng lái xe.

Trước những vụ tai nạn nghiêm trọng đáng báo động xảy ra liên miên, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc tìm hiểu về việc đào tạo lái xe hiện nay. Chưa bao giờ các trung tâm đào tạo lái xe ô tô lại mọc lên nhiều đến vậy, chỉ cần một cú kích chuột tìm kiếm trên google đã thấy hàng trăm trang web, facebook của các trung tâm đào lái xe với những lời quảng cáo, tiếp thị vô cùng hấp dẫn “Học lái xe ô tô B2 cấp tốc-Cam kết tỷ lệ đậu tuyệt đối - Giá rẻ”; “Làm bằng ô tô nhanh”; “Thi bằng lái hạng B2 đảm bảo có bằng sau 3 tháng học lái”…

Gọi vào số điện thoại gắn trong các trang web, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời tận tình, khi thấy phóng viên ngỏ ý muốn có bằng mà không đi học thì nhận được câu trả lời: “Không được đâu em ơi, giờ Sở GTVT làm gắt lắm, em vẫn phải đi thi nhưng bọn anh sẽ lo chống trượt, đảm bảo sẽ đỗ”.

Cũng theo lời những người này, muốn “qua” được môn lý thuyết sẽ phải mất 3 triệu đồng, khi vào phòng thi người trông thi sẽ đứng cạnh đọc đáp án để học viên tích vào câu trả lời đúng.

Trong vai một người đi học lái xe, tôi đến gặp một thầy giáo dạy lái xe của Trường trung cấp dạy nghề ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) ngỏ ý muốn học lái xe. Ông thầy này nhanh nhảu, “Em đưa chứng minh thư, đơn xin học và 12 ảnh 3x4 đây anh làm thủ tục cho từ A đến Z, giấy khám sức khỏe anh mua cho, em không phải đi khám mất thời gian”. 

Ngạc nhiên trước việc không cần phải đi khám sức khỏe, tôi thắc mắc hỏi: “Anh ơi có quy định về sức khỏe mới được học lái xe, không đi khám thì làm sao biết được mình có đủ điều kiện hay không?”, nghe vậy ông thầy bật cười cho biết: “Quy định chỉ là hình thức, em không phải lo”.

Rõ ràng có thể thấy rằng các trung tâm đào tạo lái xe không hề quan tâm tới học viên có đủ sức khỏe để lái xe được hay không.

Tràn lan dịch vụ

Nhận dạy lái xe, đổi bằng được rao nhan nhản trên mạng

Khi phóng viên ngỏ ý muốn theo thầy tham gia một buổi học thực hành với lý do thử xem học có khó không để đăng ký, thầy vui vẻ đồng ý.

Ngay buổi học đầu tiên, 4 học viên được đưa đến một khu đô thị chưa có người ở tại Dương Nội- Hà Đông. Sau vài lần hướng dẫn cách ra vào số, ga, đạp phanh, học viên được người hướng dẫn cho thực hành. Mỗi học viên ôm vô lăng lái loanh quanh trong sân khu đô thị được khoảng 10 phút thì lái ra đường chính. 

Vừa kết thúc khóa học lái xe 3 tháng với số điểm gần như tuyệt đối, anh Trung (ở Triều Khúc) cho hay: “Sắp có bằng rồi nhưng chẳng biết đến bao giờ em mới dám lái xe ra đường vì luật thì chưa hiểu, tay lái thì non, xử lý tình huống trên đường cũng chưa biết cách. Em qua được là mất mấy triệu chống trượt lý thuyết, chứ làm gì có thời gian ngồi học”.

Tìm kiếm trên các trang mạng, chúng ta dễ dàng thấy nhan nhản dịch vụ "chống trượt" thi sát hạch bằng lái xe. Đa số những người nộp tiền "chống trượt" vì sợ không qua được phần thi sát hạch lý thuyết. Cho nên rất dễ hiểu vì sao nhiều người lái xe lâu năm nhưng vẫn không biết, không hiểu luật là như vậy.

Dường như tất cả những người khi tham gia học lái xe đều nắm được, chỉ cần chi tiền là có thể “chống trượt”, yên tâm có được tấm bằng để đối phó với CSGT còn việc đi như thế nào, xử lý tình huống ra sao lâu dần sẽ…quen. Bởi trên thực tế hầu hết những người học lấy bằng lái xe chỉ được đào tạo thực hành trong khoảng từ 12-15 buổi, mỗi buổi từ 2-3 tiếng đồng hồ. Thời gian quá ngắn chắc chắn sẽ không thể nắm bắt được kỹ năng lái xe, khả năng xử lý tình huống khi bất ngờ có chướng ngại vật trên đường, tâm lý hoảng loạn khi gặp sự cố sẽ dẫn đến tình trạng đạp nhầm chân ga với chân phanh.

Qua điều tra sơ bộ, hiện nay thực trạng bán giấy phép xe giả hầu như không còn tồn tại nhưng cách đào tạo còn quá nhiều khe hở, quá nhiều trung tâm đào tạo một cách ồ ạt, kém chất lượng. Chính điều này là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc trong thời gian vừa qua.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: "Việc mua bán, không học mà vẫn có bằng lái xe thì khẳng định là không có. Các trường hợp chống trượt cũng hoàn toàn vi phạm quy định và là các điều nghiêm cấm. Nếu phát hiện các trường hợp nộp tiền để chống trượt thì cả người nộp và người nhận đều vi phạm và sẽ bị xử lý".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tràn lan dịch vụ "chống trượt" thi bằng lái xe