Tăng niềm tin người tiêu dùng trong nước, góp phần đón đầu dòng vốn FDI

Bảo Lan| 08/03/2016 22:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong nghiên cứu của các tổ chức xã hội học cho thấy niềm tin của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam đã và đang được cải thiện rõ rệt kể từ Quý IV/2015.

Trong báo cáo mới nhất của Nielsen - công ty thông tin và đo lường toàn cầu cũng đã chỉ ra là do Chính phủ đã cải thiện nền kinh tế quốc gia và tình trạng  giải quyết việc làm, ổn định về chính trị... là những nguyên nhân đưa Việt Nam tăng lên 108 điểm, xếp hạng thứ 6 toàn cầu về mức độ lạc quan của người tiêu dùng (NTD).

Cải thiện từ chính sách vĩ mô

Báo cáo của Nielsen cũng cho thấy sức khỏe, nền kinh tế quốc gia và tình trạng việc làm vẫn là các mối quan tâm lớn của NTD Việt Nam. Chính vì thế việc cải thiện các vấn đề về thủ tục hành chính, các chính sách thuế, các văn bản thông tư sửa đổi… đều tác động mạnh mẽ đến niềm tin của NTD.

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong dòng chảy hội nhập FTA thế hệ mới” vừa được diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Võ Trí Thành đã nhận định: Bên cạnh việc thay đổi các chính sách vĩ mô của Chính phủ, thì việc Việt Nam mạnh mẽ, tự tin hội nhập và ký kết các Hiệp định thương mại với các Tổ chức kinh tế như WTO trước đây và gần nhất là  FTA, AEC hay TPP, đều là những đòn bẩy mạnh mẽ để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng tự do hóa thương mại.

“Khi nền kinh tế hướng đến tính thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp cũng “cởi mở” hơn để hoàn thành các chiến lược mà đơn vị đã hoạch định. Đồng thời, những động thái trên không chỉ tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển phục vụ người tiêu dùng, trên cơ sở giá cả được kiểm soát và ổn định mà còn giúp các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mới và cũ phải xem xét lại chiến lược mở rộng đầu tư vào Việt Nam”, ông Thành nhận định thêm.

Tăng niềm tin người tiêu dùng trong nước, góp phần đón đầu dòng vốn FDI

Các chính sách cải cách của Chính phủ Việt Nam góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế, Trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ cũng cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam đang và không ngừng phát triển cũng như hội nhập sâu rộng vào các nền kinh tế trên thế giới sẽ là “liều thuốc” miễn dịch với cuộc suy thoái thương mại trong toàn khu vực. Điều này tác động rất mạnh mẽ đến niềm tin NTD Việt Nam và cả các NĐT nước ngoài.

Lý giải nguyên nhân, ông Glenn còn cho hay: Niềm tin của NTD Việt Nam không ngừng tăng cao, nhờ vào việc phục hồi kinh tế thông qua các chính sách vĩ mô ổn định và được thể hiện qua chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng).

Còn ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc của Savills Việt Nam cũng đưa ra nhận định: “Năm 2016 sẽ là một năm bản lề sẽ tạo ra bước ngoặc lớn cho nền kinh tế Việt Nam, khi niềm tin NTD không ngừng được cải thiện thông qua các chính sách của Chính phủ Việt Nam. Điền này cũng sẽ tác động rất tích cực đến thị trường bán lẻ tại Việt Nam, khi thu hút sự quan tâm rất lớn từ các NĐT nước ngoài”.

Tăng niềm tin để thu hút đầu tư

Theo báo cáo của các Công ty nghiên cứu, hiện nay các NĐT bán lẻ quốc tế đã sẵn sàng tham gia vào thị trường sôi động trong nước, nhằm đón đầu một loạt các Hiệp định tự do thương mại sẽ có hiệu lực trong thời gian sắp tới. Bên cạnh các triển vọng nới lỏng mức thuế và hạn ngạch cũng như các thủ tục hành chính đang từng bước được đơn giản hóa.

Chỉ trong lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng, bà Joanne Gasgonia, Giám đốc điều hành của TTTM Crescent Mail cho biết: “Chúng tôi luôn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đơn vị kinh doanh tại đây. Đặc biệt là các thương hiệu lớn từ các NĐT nước ngoài, về chỉ số doanh thu luôn được duy trì ổn định trong suốt thời gian dài. Điều này sẽ giúp cho các NĐT nước ngoài mong muốn được mở rộng quy mô hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục thống kê thì chỉ trong 2 tháng đầu năm 2016, vốn  FDI ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015. Các lĩnh vực thu hút NĐT nước ngoài gồm các lĩnh vực như BĐS, may mặc, điện tử, công nghiệp chế biến…

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực BĐS, thì dòng vốn FDI đang gia tăng chóng mặt và đứng thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút FDI. Cụ thể, tính đến ngày 20/2/2016, FDI vào BĐS đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2015 (trong đó có 291 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn; 137 dự án được cấp bổ sung vốn với 898,3 triệu USD).

Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù trải qua thời gian thăng trầm kéo dài nhưng BĐS Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài khi nhiều chính sách của Chính phủ đang được cải thiện mạnh mẽ. Báo cáo CBRE cũng cho thấy, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực BĐS thông qua nhiều hình thức như liên doanh, liên kết, hợp tác hay các thương vụ M&A có giá trị lớn. Trong đó, đáng kể nhất là các NĐT đến từ Hàn Quốc, Nhật bản, Singgapore.

“Hiện nay, các NĐT vẫn tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam. Họ chỉ bước từng bước và có tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hơn. Nhưng với những chính sách mới của Chính phủ, không chỉ hỗ trợ các NĐT nước ngoài, mà còn làm tăng chỉ số niềm tin của NTD Việt Nam. Điều này, sẽ giúp cho việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam sẽ có xu hướng mạnh dần trong thời gian tới”, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend, đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng niềm tin người tiêu dùng trong nước, góp phần đón đầu dòng vốn FDI