Chính trị

Không để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xung đột với Bộ luật Tố tụng dân sự

Duy Tuấn 26/05/2023 14:49

Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), cuối giờ sáng nay (26/5), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình-ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khi quy định về giải quyết tranh chấp tại Tòa án theo thủ tục rút gọn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát biểu trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định về thủ tục rút gọn tại Điều 317. Trong đó, các vụ án dân sự, bao gồm các vụ kiện liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, nếu thỏa mãn các điều kiện của Điều này thì được áp dụng giải quyết theo thủ tục rút gọn. Bộ luật Tố tụng dân sự cũng mở đường cho các luật khác áp dụng thủ tục rút gọn, tuy nhiên, trình tự- thủ tục phải theo tố tụng dân sự, nhằm giải quyết vụ việc được nhanh chóng. 

Quy định tại Điều 70 dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình “là trích dẫn Điều 317, nhưng lại đưa thêm Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng… Như vậy là không bảo vệ quyền lợi, mà là hạn chế quyền lợi người tiêu dùng như các đại biểu phản ánh”. Theo Chánh án “có việc giá trị trên 100 triệu nhưng thủ tục đơn giản, Ví vụ giá trị 1-2 tỉ đồng, nhưng thủ tục rõ ràng thì vẫn thoả mãn để áp dụng Điều 317 theo thủ tục rút gọn”.

Tuy nhiên, Chánh án cũng lưu ý, tham khảo kinh nghiệm thế giới, đối với các vụ án quy mô nhỏ- tức giá trị tài sản nhỏ, thì được giải quyết rất đơn giản. “Ví dụ luật của Đức, không chỉ luật bảo vệ người tiêu dùng, mà tất cả các tranh chấp dân sự, có giá trị dưới 5 nghìn EUR thì Toà tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại sao người ta đặt câu chuyện như vậy, vì nếu giải quyết theo sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, thậm chí quay lại sơ thẩm thì chi phí để giải quyết vụ án có giá trị nhỏ này còn lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích.

Theo Chánh án, nhiều nước quy định giá trị tranh chấp để xã hội không mất công vào những chuyện lặt vặt, đó là kinh nghiệm của thế giới. Liên hệ với quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng, “Ban soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm của thế giới”. 

chanh-an-nguyen-hoa-binh(2).jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu trước Quốc hội.

Từ phân tích trên Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đưa ra ý kiến “Quy định tại Điều 70 là chưa thỏa đáng. Nếu chúng ta quy định là thỏa mãn Điều 317 thì được rút gọn. Còn nếu chỉ quy định, quy mô tranh chấp dưới 100 triệu có thể phức tạp, không thỏa mãn Điều 317 cũng giải quyết theo trình tự rút gọn, thì thỏa đáng hơn là việc đưa 100 triệu vào Điều 317 ”. Chánh án đề nghị Ban soạn thảo “nên thể hiện như thế nào đấy để nó không xung đột với Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự”. 

Đặc biệt, Chánh án TANDTC cũng lưu ý, khi Việt Nam  tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong tất cả các hiệp định thương mại tự do, thì người ta đều khuyến cáo Việt Nam phải nội luật hóa nghĩa vụ của bên thua, tức là việc người tiêu dùng hay là trường hợp khác đi kiện mà thắng thì đương nhiên nhà sản xuất, hay là nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường. 

“Nhưng trong trường hợp người tiêu dùng đi kiện mà lại không đúng, lợi dụng việc đi kiện, doanh nghiệp đang sản xuất rất có uy tín, nhưng bị kiện để làm mất uy tín của người ta, người ta không bán hàng được, gây thiệt hại cho người ta thì pháp luật của chúng ta chưa đặt ra nghĩa vụ của bên thua”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình chỉ rõ.

Theo Chánh án, nghĩa vụ của người đi kiện- tức là người tiêu dùng là xử theo luật, “nhưng thực ra chúng ta không có nghĩa vụ trong trường hợp lợi dụng việc này làm mất uy tín của nhà sản xuất làm ăn nghiêm túc, chấp hành đúng pháp luật nhưng bị đưa lên mạng”. 

“Tôi thấy việc đi kiện, sau đó đưa lên mạng công khai, đi kiện không có nghĩa người đi kiện là đúng, cho nên đưa lên mạng công khai thì điều này cần phải cân nhắc lại, bởi vì đây là quyền con người, quyền của doanh nghiệp, chưa chắc người đi kiện đã đúng, nhưng đã kiện xong đưa lên công khai, thì điều này liên quan đến nghĩa vụ của bên thua. Do đó, đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình phát biểu. 

Điều 317. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

1. Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

2. Đối với vụ án lao động đã được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn mà người sử dụng lao động có quốc tịch nước ngoài hoặc người đại diện theo pháp luật của họ đã rời khỏi địa chỉ nơi cư trú, nơi có trụ sở mà không thông báo cho đương sự khác, Tòa án thì bị coi là trường hợp cố tình giấu địa chỉ. Tòa án vẫn giải quyết vụ án đó theo thủ tục rút gọn quy định tại Phần này.

3. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới sau đây làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường:

a) Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;

b) Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá;

c) Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

đ) Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập;

e) Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

(Trích Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)

Điều 70. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật này.

2. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;

b) Vụ án có chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án;

c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài;

d) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài.

(Trích dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xung đột với Bộ luật Tố tụng dân sự