Tiếp thu sửa đổi Luật Đất đai phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống

Ngọc Mai| 10/03/2023 10:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ trì buổi làm việc để cho ý kiến bước đầu về tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH và những vấn đề nổi lên trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý rà soát đối với những nội dung, những vấn đề đã có kết luận của Trung ương thì không bàn lại, tránh làm phức tạp thêm vấn đề. Quá trình tiếp thu sửa đổi Luật phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Tiếp thu sửa đổi Luật Đất đai phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc

Quốc hội thảo luận lần 2 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) này tại Kỳ họp thứ 5

Mở đầu buổi làm việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo dự kiến chương trình, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và trình Quốc hội thảo luận lần 2 về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) tới.

Mặt khác, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc vào ngày 15/3 tới. Hiện nay, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đang diễn ra sôi động trên cả nước, ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp có giá trị của các đối tượng tác động, các chủ thể, có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với tinh thần chuẩn bị từ sớm từ xa, theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường, buổi làm việc lần này nhằm nghe báo cáo và cho ý kiến bước đầu về tình hình giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và việc lấy ý kiến Nhân dân để từ đó có cơ sở cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Tại buổi làm việc, các đại biểu nghe Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân báo cáo về tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi); việc rà soát, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; những vấn đề nổi lên qua quá trình lấy ý kiến Nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ về  Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước đến từng thôn, xóm, khu phố và người dân…, nhiều báo đài, tạp chí đã mở chuyên mục để cho người dân góp ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật.

Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm nội dung về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các Luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống

Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý dữ liệu nội dung từ việc lấy ý kiến Nhân dân là rất lớn. Do đó nếu không có cách làm khoa học sẽ khó có thể tổng hợp, tiếp thu hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua theo dõi việc góp ý xây dựng luật cho thấy nhiều ý kiến, kiến nghị cụ thể về giải thích từ ngữ. Do đó các cơ quan cần có mục riêng về nội dung này để làm rõ các khái niệm, thống nhất cách hiểu, cách làm.

Tiếp thu sửa đổi Luật Đất đai phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống

Chủ tịch Quốc hội: Quá trình tiếp thu sửa đổi Luật phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống

Bên cạnh đó là các quy định liên quan đến vai trò của Nhà nước, minh định giữa vai trò là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và là một chủ thể sử dụng đất; vai trò của chính quyền cấp xã; nhóm vấn đề về quy hoạch, mối quan hệ giữa quy hoạch kế hoạch, giải quyết vấn đề đất đai trong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, huyện xã; giải quyết sự khác nhau giữa Luật Quy hoạch và Luật Đất đai; vấn đề điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch; về thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình; vấn đề thu hồi đất để bảo đảm được quyền lợi của công dân vừa đảm bảo tính khả thi; nhóm vấn đề về chuyển nhượng cho thuê, thế chấp; vấn đề tài chính đất đai, bảng giá đất, vấn đề giá đất sát với giá thị trường, có hay không luật hóa quy định về bản đồ giá đất; việc bảo đảm tương thích giữa các luật, hạn chế tối đa việc giao quy định chi tiết…

Chỉ rõ đây là những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần có sự phân định các nhóm vấn đề để có phương án tiếp thu, giải trình; lưu ý rà soát đối với những nội dung, những vấn đề đã có kết luận của Trung ương thì không bàn lại, tránh làm phức tạp thêm vấn đề. Quá trình tiếp thu sửa đổi Luật phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tham dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, việc lấy ý kiến được triển khai nghiêm túc, bám sát tiến độ, phương pháp, yêu cầu, các nhóm nội dung, tổ chức lấy ý kiến sâu theo các nhóm đối tượng chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện vùng miền… cùng với đó là kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện. 

Tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết thêm, các nội dung được Chủ tịch Quốc hội đề cập là những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý, trong đó có những vấn đề khó thể chế, hoặc khó khả thi, hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục thảo luận, làm rõ; nhấn mạnh rằng đây là sản phẩm chung không phân biệt cơ quan Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, điều quan trọng là định hướng cách xử lý, các cơ quan cần đưa ra những góp ý cụ thể, cùng nhau trao đổi, phản biện để đưa ra được phương án tối ưu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng khẳng định việc lấy ý kiến Nhân dân cần được tiếp tục cho đến tận khi Quốc hội thông qua luật; việc nghiên cứu tiếp thu được tiến hành liên tục với tinh thần nghiêm túc nhất, khoa học nhất.

Tiến hành không kể ngày đêm, phối hợp các cơ quan không phân biệt vai

Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ qua thảo luận nhấn thấy công tác lấy ý kiến Nhân dân được hưởng ứng và triển khai tích cực rọng khắp trong cả nước, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giới và toàn dân đối với dự án Luật rất quan trọng này. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Chính phủ cùng với các cơ quan liên quan của cả Chính phủ và Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cấp, các ngành đã nỗ lực cho công tác lấy ý kiến xây dựng luật. Từ đó thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, cụ thể, nhiều ý kiến có giá trị, bên cạnh các ý kiến mang tính nguyên tắc, quan điểm, định hướng cũng có nhiều ý kiến góp ý cụ thể đến từng điều khoản với đầy đủ căn cứ khoa học thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thời gian từ nay đến khi kết thúc đợt lấy ý kiến Nhân dân và các cơ quan hoàn thiện báo cáo tổng hợp là không còn nhiều, đòi hỏi phải nỗ lực khẩn trương hơn nữa với tinh thần tiến hành như một chiến dịch không kể ngày đêm, cố gắng phối hợp các cơ quan không phân biệt vai; đồng thời lưu ý tiến độ quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiến hành tổng hợp đến đâu nghiên cứu có phương án tiếp thu, giải trình đến đó; cùng nhau bàn cách làm, tổng hợp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan, vô tư, tôn trọng mọi ý kiến, gạn đục khơi trong, không để có một ý kiến nào không được tổng hợp, không có ý kiến nào không được giải trình; tổng hợp toàn diện đầy đủ, chọn vấn đề lớn trọng tâm để tổng hợp đánh giá, lựa chọn vấn đề quan trọng có ý kiến khác nhau để tiếp tục tổ chức nghiên cứu lấy ý kiến tọa đàm sâu hơn kĩ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp thu sửa đổi Luật Đất đai phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống