Việc TANDTC quản lý các TAND địa phương và các TAQS như Luật Tổ chức TAND năm 2002 và tiếp tục được thể hiện trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và quá trình cải cách tư pháp.
Kế thừa các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002
Hiện nay, theo quy định tại Điều 17 Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì việc quản lý các TAND địa phương về tổ chức được giao cho TANDTC thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ với HĐND địa phương. TANDTC quản lý các TAQS về tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng. Quá trình 12 năm thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2002 hiện hành cho thấy, với việc giao cho TANDTC thực hiện việc quản lý các TAND địa phương và các TAQS về tổ chức, các Tòa án thuộc thẩm quyền quản lý của TANDTC không chỉ được kiện toàn về cơ cấu tổ chức, kịp thời được bổ sung biên chế, số lượng Thẩm phán, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng nâng cao. Cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc của các Tòa án cũng được cải thiện, cơ chế quản lý Tòa án ngày càng hoàn thiện, phù hợp với cơ chế quản lý cán bộ của Đảng, Nhà nước và sự giám sát của Quốc hội, HĐND. Những kết quả đạt được của các Tòa án trong hoạt động xét xử và các mặt công tác khác, đặc biệt là việc hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp xét xử oan, sai nghiêm trọng, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán và số lượng các vụ việc, các đơn yêu cầu giám đốc thẩm để quá hạn xem xét, giải quyết theo luật định đã giảm đáng kể, giảm dần đều qua từng năm mặc dù số lượng các vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng dần đều, mỗi năm tăng khoảng 30.000 vụ, việc.
TANDTC tổ chức hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Với sự phát triển, trưởng thành về mọi mặt của TAND cũng như sự đóng góp của Tòa án vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong những năm qua là rất đáng ghi nhận; là bằng chứng chứng minh cho tính đúng đắn của quy định tại Điều 17 của Luật Tổ chức TAND năm 2002 mà đến nay, TANDTC đã kế thừa và tiếp tục thể hiện trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tại Điều 8 của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) về quản lý các TAND (sửa đổi Điều 17 Luật Tổ chức TAND 2002) quy định: TANDTC quản lý các TAND về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân; TANDTC quản lý các TAQS về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng; quy chế phối hợp giữa TANDTC và HĐND, giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các TAND, các TAQS về tổ chức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013
Việc quy định TANDTC quản lý các TAND, các TAQS về tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như quy định tại Điều 8 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là đúng với tinh thần trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức và cán bộ cũng như công tác cải cách tư pháp. Theo đó, công tác tổ chức và cán bộ thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng có thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị. Việc Luật Tổ chức TAND quy định TANDTC quản lý các TAND địa phương và TAQS về tổ chức chính là sự thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, trong đó “TANDTC quản lý Tòa án địa phương về tổ chức để bảo đảm gắn việc theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn với việc nhận xét, đánh giá bố trí, sử dụng cán bộ”.
Tiếp theo, để tăng cường chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/6/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Nội dung của các văn kiện này giao cho Ban cán sự Đảng TANDTC đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh, cải thiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các Tòa án, đáp ứng yêu cầu công tác xét xử và cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Việc TANDTC được giao quản lý các TAND, TAQS là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án khác. Theo đó, Thẩm phán các Tòa án khác được Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh án TANDTC trên cơ sở kết quả xem xét tuyển chọn hoặc xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán với các thành phần của Hội đồng đã được mở rộng như thể hiện trong Dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong công tác quản lý Thẩm phán. Các nội dung quan trọng về quản lý Tòa án về tổ chức như việc lập thêm tổ chức bộ máy, quyết định về biên chế, số lượng Thẩm phán, kinh phí hoạt động của các Tòa án, chế độ chính sách đối với cán bộ Tòa án đều do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Chánh án TANDTC. Trong việc phân bổ và kiểm tra việc thực hiện biên chế, số lượng Thẩm phán và kinh phí hoạt động của từng Tòa án thì Chánh án TANDTC đều phải thực hiện theo đúng Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và phải có ý kiến của HĐND cùng cấp theo quy chế phối hợp giữa Chánh án TANDTC và HĐND địa phương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Việc TANDTC quản lý các TAND địa phương và các TAQS như Luật Tổ chức TAND năm 2002 và tiếp tục được thể hiện trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật và quá trình cải cách tư pháp. Hơn nữa, việc giao cho TANDTC quản lý các TAND và TAQS về tổ chức chính là việc cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý tổ chức cán bộ, kinh phí, phương tiện hoạt động của các Tòa án. Đây là một trong các phương thức để bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán. Ngoài ra, việc quy định TANDTC quản lý các TAND và TAQS là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc Chánh án TANDTC có trách nhiệm báo cáo với Quốc hội về công tác Tòa án; trong thời gian Quốc hội không họp thì phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt đối với hệ thống TAND
Theo đánh giá của Thường trực Ban chỉ đạo về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì Dự thảo Luật Tổ chức TAND đã được chuẩn bị khá công phu trên cơ sở các quan điểm đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng, các quy định của Hiến pháp mới được ban hành năm 2013 và tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Tổ chức TAQS năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002. Dự thảo Luật Tổ chức TAND được soạn thảo cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã họp và cho ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nhất trí tiếp tục quy định giao cho TANDTC quản lý các TAND và TAQS về mặt tổ chức như quy định tại Điều 8 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Đây là Dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt đối với hệ thống TAND trong việc thực hiện quyền tư pháp đã được hiến định trong Hiến pháp mới. Vì vậy, việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được TANDTC thể hiện cụ thể, toàn diện để thực hiện tốt chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp, xác định rõ thẩm quyền và vai trò của Tòa án trong hệ thống cơ quan tư pháp. Đồng thời với đó là việc xây dựng bộ máy, hệ thống tổ chức Tòa án các cấp, đảm bảo nguyên tắc hết sức quan trọng đã được hiến định, đó là Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Thực chất việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong hiến định là nhằm mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế XHCN. Hiến pháp mới quy định Tòa án là cơ quan xét xử, cơ quan thực hiện quyền tư pháp là một điểm mới rất quan trọng trong lịch sử lập hiến. Quy định như vậy nhằm đảm bảo tính độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử, thực sự là cơ quan bảo vệ công lý.
Hiện tại, TANDTC đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương, các Bộ, ngành liên quan; ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức TAND các cấp, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý để chỉnh lý, bổ sung vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2014. Thời gian để chỉnh lý, bổ sung nội dung đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) không còn nhiều, vì vậy TANDTC mong muốn nhận được sự góp ý kiến nhiệt tình, sự đồng thuận cao của các cơ quan có thẩm quyền để Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đúng tiến độ, có chất lượng như kế hoạch đã đề ra.
Trần Minh Giang