Mới đây, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án dự kiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 và xét tuyển đại học, cao đẳng từ kết quả thi THPT quốc gia, xin ý kiến các trường đại học, học viện.
Phụ huynh, học sinh lúng túng khi biết phương án dự kiến thi năm 2018
Câu chuyện mùa tuyển sinh năm 2017 với nhiều điều “bất ngờ” như: 30,5 mới vào được Học viện An ninh nhân dân, 29,25 vẫn trượt Y đa khoa hay những điểm đổi mới tích cực như: Không còn cảnh phụ huynh, thí sinh gồng gánh đến điểm thi hay cảnh tắc đường mấy ngày thi….
Phụ huynh và học sinh mong Bộ GD-ĐT sớm chốt phương án thi, không nên kéo dài. Ảnh Hải Nam.
Ngoài những điểm tích cực của mùa tuyển sinh 2017, mỗi phụ huynh vẫn lo lắng trước những thay đổi dự kiến của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Có con năm nay thi cuối cấp, chị Trần Thị Sang (50 tuổi, Can Lộc- Hà Tĩnh) lo lắng: “Tối qua lên mạng đọc báo thấy có phương án dự kiến thi của năm 2018 khiến cả nhà tôi đứng ngồi không yên. Con tôi học khối C ba năm nay, nếu thi tích hợp thì lại học thêm môn giáo dục công dân nữa sẽ vô cùng nặng nề”.
“Năm ngoái vừa thay đổi phương án thi khiến không ít thí sinh “cười ra nước mắt”, bởi số điểm tăng lên so với dự kiến của các con, có những trường tăng từ 18 lên 24 điểm, tức tăng 6 điểm khiến nên các cháu rất hoang mang, sợ chính các con lại gặp phải những câu chuyện như kỳ tuyển sinh vừa rồi thì quả thật đau đớn lắm”, chị Sang chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, chị Sang cũng kiến nghị: “Bộ GD-ĐT nên chốt phương án sớm để các con chú tâm vào học, không kéo dài và thay đổi quá sẽ khiến cho các con không an tâm học hành và mất rất nhiều thời gian theo dõi sẽ ảnh hưởng đến việc học của các con. Đồng thời, Bộ GD-ĐT ra đề làm sao để có thể chọn lọc vầ phân loại được học sinh, đừng ra đề theo kiểu dễ làm, chọn trường thì khó như năm nay khiến phụ huynh và học sinh thất vọng”.
Khi nghe tin có phương án dự kiến cho kỳ thi THPT quốc gia 2018, em Nguyễn Ngọc Ánh (học sinh trường THPT Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tâm sự: “Bọn con bắt đầu chuẩn bị học từ đầu tháng 8 rồi, đồng thời mùa tuyển sinh đại học năm 2017 có nhiều điều không chỉ chính các anh chị thí sinh sốc mà bọn con cũng lo mình gặp phải. Với một thí sinh làm 29 điểm gần như là điểm tuyệt đối rồi còn trượt đại học thì tầm 25, 26 trượt là chuyện bình thường. Nhưng mức điểm 25 trở lên là những người thực sự học khá”.
“Bọn con mong Bộ GD-ĐT sớm chốt phương án thi, cung cấp tài liệu ôn tập để bọn con tập trung tinh thần học, chứ cứ dụ kiến thấp thỏm lắm”, Ngọc Ánh chia sẻ thêm.
Mong rằng kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ đánh giá đúng thực chất, năng lực học sinh và không có những câu chuyện đáng tiếc. Ảnh Hải Nam.
Nên cân nhắc việc thay đổi phương án thi
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương án dự kiến để lấy ý kiến của các trường, học viện. Chia sẻ với báo chí, ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng đại học Bách khoa Hà Nội nói: “Ông ủng hộ phương án hai. Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi”.
Bên cạnh đó, ông Tớp cũng phân tích: “Bộ nên sử dụng phương án thi này cho năm học 2018-2019, chưa nên áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Tạm thời, năm 2018 vẫn giữ phương án thi cũ, để thí sinh làm quen và học sinh các khóa sau biết trước để có thời gian chuẩn bị, bởi với học sinh, giáo viên, việc biết trước phương án thi giúp các em có định hướng học tập tốt, không bị “sốc” tâm lý".
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học 2017 cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các trường "xem lại" về phương án tổ chức 2 bài thi tổ hợp.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc tổ chức thành 3 môn thi tách biệt thực chất là giúp các trường đại học, cao đẳng thuận lợi trong xét tuyển nhưng lại khiến công tác ra đề, tổ chức thi cho tới chấm thi trở nên phức tạp trong khi thí sinh lại mệt mỏi vì phải thi 3 môn thi liên tiếp trong cùng một khoảng thời gian.