Đời sống

Chiến thắng 30/4 qua hồi ức của pháo thủ trên chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập

Gia Ân-Mai Giang 30/04/2024 - 09:22

Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng khoảnh khắc cánh cổng dinh Độc Lập bị xe tăng húc đổ, kết thúc chế độ Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong kí ức của cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên - pháo thủ số 1 trên xe tăng 390 - chiếc xe đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập.

Khi mới 19 tuổi, Ngô Sỹ Nguyên, xã Diễn Kỷ, Diễn Châu (Nghệ An) đã tình nguyện tham gia nhập ngũ và được tuyển chọn vào binh đoàn Tăng thiết giáp. Tháng 12/1971, ông chính thức gắn bó với chiếc xe tăng 390. Tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, rồi giải phóng Sài Gòn ngày 30/4, ông đã lập nhiều chiến công, bắn hạ hàng chục xe tăng, xe bọc thép của địch.

3-2-.jpg
Cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên thăm đồng đội, kể chuyện ngày giải phóng.

Tuy đã sinh sống tại Thủ đô Hà Nội hàng chục năm nay nhưng mỗi dịp đất nước hân hoan mừng chiến thắng 30/4, Cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1 trên chiếc xe tăng 390 lại trở về quê hương xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Và mỗi lần như vậy, món quà của ông mang đến cho mọi người là những câu chuyện đầy cảm xúc về ngày non sông thu về một mối.

Ngày ấy, vượt qua bao làn đạn nguy hiểm, cận kề với cái chết, bắn cháy nhiều xe tăng, xe bọc thép, đập tan tuyến phòng thủ của địch, xe tăng 390 thuộc Đại đội 4 tiến thẳng vào Sài Gòn ngày 30/4. Ông Ngô Sỹ Nguyên kể lại: “Chúng tôi tiến qua Cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc, cầu Thị Nghè vào Sài Gòn, quá trình tiến quân, tiểu đoàn trưởng của chúng tôi hy sinh ngay tại chỗ trên tháp xe tăng, các xe tăng của ta bị địch bắn trả rất ác liệt .

Bất ngờ có một xe tăng địch bên cầu Sài Gòn lao sang, bằng một viên đạn chính xác tôi bắn cháy ngay đầu cầu. Vượt được cầu đến ngã tư Hàng Xanh thì địch phản kích. Tôi ngắm trúng tiêu diệt 2 xe bọc thép M113 của địch và tiến thẳng ra đường tiêu diệt được khá nhiều quân địch.

Dưới nắng trưa của Sài Gòn không có một bóng người nào cả, xe tăng cứ thế thẳng tiến về phía dinh Độc Lập, đi bên trái có xe 843 của anh Bùi Quang Thận. Khi đến gần cổng chính thì xe anh Thận rẽ sang cổng phụ, xe 390 lao lên húc đổ cổng chính. Anh Bùi Quang Thận nhảy xuống theo xe tăng 390 lên dinh Độc Lập treo cờ.

Anh Vũ Đăng Toàn và tôi cầm AK vào Dinh và tôi vinh dự được gác phòng nội các Dương Văn Minh từ đầu đến cuối. Khi ông Bùi Văn Tùng đến thì Dương Văn Minh chào và bảo chúng tôi chờ các anh từ sớm để bàn giao thì anh Bùi Văn Tùng tuyên bố “các anh không còn gì để bàn giao mà phải đầu hàng vô điều kiện”.

Bùi Văn Tùng là người khởi thảo lời đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh. Ông cũng là người thay mặt quân giải phóng tuyên bố với thế giới thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng và nhân dân ta xây cuộc sống mới”.

Cùng với niềm vinh dự chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Việt nam Cộng hòa, không khí hân hoan của người dân Sài Gòn chào đón quân giải phóng vẫn luôn tươi nguyên trong kí ức của ông. Ông Ngô Sỹ Nguyên nhớ lại: “Khi đó xe đỗ trong và ngoài dinh Độc Lập rất nhiều.

Nhân dân có những khẩu hiệu như Hội hiệp thương Sài Gòn - Gia Định hoan hô quân giải phóng; Hội nghệ sỹ hoan hô quân giải phóng… Hội nào thì cũng dương khẩu hiệu hoan hô hết. Chỉ sau nửa tiếng, chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng thì nhân dân Sài Gòn phất cờ đỏ rực cả rừng cờ, nhân dân đi đến đâu là cờ đến đấy tràn ngập thành phố.

Lịch sử tự hào về những chiến sỹ xe tăng 390 và mảnh đất Diễn Châu tự hào bởi đã sinh ra người chiến sỹ dũng cảm Ngô Sỹ Nguyên. Dù cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan, nhưng ông luôn giữ vững phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, bình dị và gần gũi.

Với ông, phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin yêu của đồng chí, đồng đội, sự kính trọng, quý mến của thế hệ trẻ hôm nay. Em Ngô Thị Thương – Học sinh Trường THCS Diễn Kỷ khi được cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên kể chuyện đã tâm sự: Cảm nhận đầu tiên là em rất ngưỡng mộ ông, vì ông tham gia chiến đấu rất xuất sắc và tiếp theo là sự biết ơn vì bác tham gia chiến đấu không kể gian khổ, hy sinh để mang lại nền hòa bình cho chúng em, cho chúng em được họp tập trong môi trường tốt.

49 năm đã trôi qua, người pháo thủ trên xe tăng 390 năm xưa giờ đây đã trở thành người ông, người cha trong gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên với Ngô Sỹ Nguyên vẫn không hề ngơi nghỉ, ông vẫn miệt mài với những câu chuyện một thời oanh liệt. Để rồi thế hệ trẻ hôm nay, nguyện đem nhiệt huyết, sức lực xây dựng bảo vệ mảnh đất mà thế hệ cha ông như Ngô Sỹ Nguyên đã đổ biết bao xương máu để giữ gìn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng 30/4 qua hồi ức của pháo thủ trên chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập