Ngày 31/8, ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch UBND TP. Pleiku (Gia Lai) đã ra quyết định điều chuyển công tác đối với bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân (giáo viên Trường Tiểu học Cù Chính Lan) sang Trường Tiểu học Lê Lai (TP Pleiku).
Cụ thể, tại Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 31/8, Chủ tịch UBND TP. Pleiku đã chuyển công tác đối với bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân từ Trường Tiểu học Cù Chính Lan sang Trường tiểu học Lê Lai kể từ ngày 5/9.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Cù Chính Lan chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà Trân theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lai ký hợp đồng làm việc đối với bà Trân.
Trước đó, Báo Công lý đã thông tin, vào giữa năm 2023, hàng loạt phụ huynh có con em đang theo học tại Trường tiểu học Cù Chính Lan từ khối lớp 1 đến lớp 5 đã gửi đơn kiến nghị tập thể lên Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT, Viện KSND TP. Pleiku và Ban Giám hiệu nhà trường để tố cáo giáo viên môn âm nhạc Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân.
Phụ huynh cho rằng, nữ giáo viên đã thiếu tích cực trong giảng dạy, tinh thần gợi mở kém; xếp loại học tập của học sinh không vô tư, khách quan và không đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo.
Phòng GD&ĐT TP. Pleiku vào cuộc, xác minh. Kết quả cho thấy, chất lượng giáo dục môn âm nhạc tại một số lớp học không đạt chỉ tiêu mà bản thân giáo viên đã cam kết ngay từ đầu năm học, như lớp 2.3; 4.3; 3.3; 3.4; 4.2; 4.4.
Bên cạnh đó, giáo viên này không lập sổ ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có tiến bộ trong học tập và rèn luyện năm học 2022-2023.
Giáo viên Trân không có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh chưa hoàn thành học kỳ 1 năm học 2022-2023 (Kết quả khảo sát đầu năm học có 16 học sinh chưa hoàn thành, đến cuối học kỳ 1 số học sinh chưa hoàn thành tăng lên 28 học sinh); chưa có sự phối hợp với một số giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp, cha mẹ học sinh trong đánh giá học sinh; chưa thường xuyên kiểm tra, nhận xét vào vở học sinh để hướng dẫn học sinh khắc phục hạn chế hoặc sai sót; chưa có kế hoạch dạy học, hồ sơ dành riêng cho học sinh khuyết tật học hòa nhập tại trường theo quy định tại Thông tư 22, Thông tư 27.
Đặc biệt, trong 2 năm học (2021-2022 và 2022-2023), cô Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân đã tự ý sửa chữa kết quả học tập đối với 75 học sinh ở các lớp (nâng lên, hạ xuống và chỉnh sửa nhận xét), trong đó có một số học sinh được nâng lên, hạ xuống nhiều lần mà không báo cáo, không xin phép và chưa có sự đồng ý của Hiệu trưởng nhà trường.
Đối với nội dung phụ huynh phản ánh, cô Bảo Trân thiếu chuẩn mực nhà giáo, với lời lẽ, ngôn ngữ phản cảm, Phòng GD&ĐT TP Pleiku làm rõ, cô giáo Bảo Trân vi phạm đạo đức nhà giáo.
Những sai phạm, hạn chế trên của giáo viên Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân đã vi phạm vào các thông tư, quy định của Bộ Giáo Dục, Bộ Thông tin Truyền thông như: Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT, Quyết định số 874/QĐ-BTTTT…
Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có chỉ đạo UBND TP. Pleiku làm rõ thông tin dư luận phản ánh, bức xúc về giáo viên âm nhạc Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân liên quan đến vấn đề “về kỹ năng dạy, khuất tất trong đánh giá xếp loại học sinh và đạo đức nhà giáo”.
Đến ngày 24/8, UBND tỉnh Gia Lai lại có thêm một văn bản nhắc nhở Chủ tịch UBND TP. Pleiku khẩn trương báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh trước ngày 31/8. Yêu cầu xử lý để chấm dứt dư luận xã hội không tốt về giáo viên âm nhạc Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân (Trường Tiểu học Cù Chính Lan, TP Pleiku).
Ngày 29/8, hàng chục phụ huynh tại TP. Pleiku đã treo băng rôn ngay bên cạnh cổng trường để phản đối việc giáo viên âm nhạc Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân tiếp tục ở lại trường này dạy môn âm nhạc.
Ngày 30/8, UBND TP. Pleiku đã có văn bản yêu cầu các phòng chuyên môn hoàn chỉnh hồ sơ để tham mưu UBND thành phố thực hiện công tác cán bộ theo đúng thẩm quyền.