Quảng Trị: Một tài sản đem bán cho hai doanh nghiệp

Quốc Tuấn| 17/12/2014 04:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hàng loạt vụ việc giấy tờ giả nhưng vẫn "lọt cửa” công chứng xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, gần đây lại xuất hiện thêm việc lợi dụng những “lỗ hổng”

Sau hàng loạt vụ việc giấy tờ giả nhưng vẫn "lọt cửa” công chứng xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, gần đây lại xuất hiện thêm việc lợi dụng những “lỗ hổng” trong công tác công chứng, tạo điều kiện cho những hành vi lừa đảo hoặc gây cản trở đối với những giao dịch hợp pháp. Dưới đây là một trường hợp điển hình xảy ra ở TP. Đông Hà, Quảng Trị.

Một tài sản bán cho hai công ty

Ông Lê Văn Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Dung (Công ty Quốc Dung) tại TP. Đông Hà cho biết: Ngày 16/4/2013, Công ty Quốc Dung mua lại Nhà máy chế biến cà phê (gồm 9.494m2 đất, công trình xây dựng trên đất và hệ thống máy móc, thiết bị chế biến cà phê) của Công ty TNHH MTV Tường Quân (Công ty Tường Quân) với giá 26 tỷ đồng. Sau khi ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản tại Phòng công chứng số 1, tỉnh Quảng Trị, Công ty Quốc Dung đã chuyển cho Công ty Tường Quân 1 tỷ đồng bằng tiền mặt và Công ty Tường Quân xuất hóa đơn VAT ngày 17/4/2013 với nội dung: Bán nhà máy chế biến cà phê cho Công ty Quốc Dung với số tiền 25 tỷ đồng. Cùng ngày, Công ty Quốc Dung chuyển 25 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Tường Quân tại ViettinBank - Chi nhánh Quảng Trị. Có được 26 tỷ đồng của Công ty Quốc Dung, Công ty Tường Quân sử dụng 9,8 tỷ đồng trả nợ ngân hàng, xóa thế chấp tài sản là nhà máy chế biến cà phê, rút GCNQSD đất từ ngân hàng về bàn giao cho Công ty Quốc Dung.

Ông Quốc đến Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị để thực hiện thủ tục sang tên QSD đất và tài sản gắn liền với đất là nhà máy chế biến cà phê từ Công ty Tường Quân sang Công ty Quốc Dung. Đến ngày hẹn nhận GCNQSD đất, ông Quốc được Sở TN-MT cho biết: PC45 Công an tỉnh Quảng Trị có văn bản đề nghị tạm dừng giải quyết các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng nhà máy chế biến cà phê. Lý do, bà Nguyễn Thị Thảo, chủ DNTN Đình Tàu gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Công ty Tường Quân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi Công ty Tường Quân đã nhận tiền đặt cọc để bán nhà máy chế biến cà phê cho DNTN Đình Tàu, nhưng lại bán tiếp nhà máy này cho Công ty Quốc Dung. Qua tìm hiểu, ông Quốc mới “té ngửa” vì biết nhà máy này cũng được bán cho một công ty khác qua chứng thực của văn phòng công chứng Trường Sinh đóng trên địa bàn thành phố.

Quảng Trị: Một tài sản đem bán cho hai doanh nghiệp

Nhà máy chế biến cà phê đang niêm phong nhưng vẫn hoạt động

Ông Quốc bức xúc cho biết: Ngày 20/6/2013, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị có Công văn số 696/STP trả lời Công an tỉnh Quảng Trị về hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất ký ngày 18/4/2013 tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Trị ký kết giữa Công ty Tường Quân và Công ty Quốc Dung về thủ tục đầy đủ và đúng quy định pháp luật. Còn hợp đồng đặt cọc ngày 13/3/2013 ký kết giữa DNTN Đình Tàu và Công ty Tường Quân được phòng công chứng Trường Sinh chứng thực là chưa phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và các quy định về công chứng vì thời gian công chứng hợp đồng, Công ty Tường Quân đang thế chấp tài sản tại ngân hàng. Hơn nữa, hợp đồng đặt cọc là để thể hiện hợp đồng mua bán ngày 25/12/2010 giữa hai Công ty tự ký, không có công chứng. Thời gian này, tài sản cũng đã được thế chấp và nội dung của hai hợp đồng khác nhau về giá trị tài sản và hình thức chuyển tiền nên việc Công ty Tường Quân làm hợp đồng đặt cọc với DNTN Đình Tàu (để thể hiện hợp đồng mua bán nhà máy chế biến cà phê) là có dấu hiệu gian dối, không trung thực. Cơ quan điều tra cần xem xét tính gian dối, không tuân thủ pháp luật của Công ty Tường Quân. Quy kết rõ ràng như vậy nhưng ngày 24/6/2013, PC45 Công an tỉnh Quảng Trị lại quyết định không khởi tố vụ án hình sự và cho rằng, vụ việc chỉ liên quan đến tranh chấp dân sự.

Những bất cập cần được xử lý

Sau khi cơ quan Công an kết luận, Công ty Quốc Dung đã khởi kiện Công ty Tường quân. Ngày 1/8/2013, TAND huyện Hướng Hóa ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên toàn bộ tài sản mà Công ty Tường Quân đã bán, chuyển nhượng cho Công ty Quốc Dung. Ngày 2/8/2013, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hướng Hóa ra quyết định thi hành án, đồng thời tiến hành kê biên, niêm phong tài sản tranh chấp và giao cho Công ty Tường Quân bảo quản tài sản kê biên.

Tuy nhiên, Công ty Tường Quân đã tự ý phá niêm phong và trở lại hoạt động nên Công ty Quốc Dung đã phải gửi nhiều đơn thư đề nghị các cơ quan chức năng xử lý. Lạ thay, VKSND huyện Hướng Hóa lại “hồn nhiên” mà cho rằng nếu có vi phạm cũng không thuộc quyền xử lý của cơ quan này và cơ quan thi hành án. Có lẽ vì vậy mà phía Công ty Tường Quân cứ “yên tâm” hoạt động coi như không hề có quyết định kê biên nào(?)

Theo hồ sơ do ông Quốc photo tại Tòa án thì liên quan đến việc mua bán nhà máy chế biến cà phê này có đến hai bản hợp đồng đặt cọc. Cụ thể là một hợp đồng BL41 bỏ trống nội dung cơ bản về giấy tờ pháp lý thửa đất: Số GCN QSD đất, cơ quan cấp, ngày cấp, tên người sử dụng đất, được chứng thực ngày 1/7/2013 tại UBND thị trấn Khe Sanh. Còn hợp đồng BL260, được viết tay dòng chữ: “BI824810, tỉnh Quảng Trị, 21/11/2012, Công ty TNHH MTV Tường Quân” chèn vào chỗ đánh máy bỏ trống của Hợp đồng đặt cọc rồi đóng dấu treo vào chỗ đã viết tay.

Làm việc với phóng viên, ông Võ Thùy Sinh, Trưởng Văn phòng công chứng Trường Sinh, tỉnh Quảng Trị cho biết: Hợp đồng đặt cọc để trống, chưa ghi đủ thông tin về GCNQSD đất như nơi cấp, ngày cấp, mang tên… là do sai sót nghiệp vụ, pháp luật cho phép. Còn việc khi công chứng, GCNQSD đất đang thế chấp ngân hàng thì chỉ cần bản photo là được(!?).

Băn khoăn về cách trả lời này, chúng tôi đã trao đổi với ông Hoàng Kỳ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, ông Kỳ cho biết: Theo Luật Công chứng, khi công chứng thì phải có giấy tờ chính mới được công chứng. Trường hợp hợp đồng đặt cọc ngày 13/3/2013 của Văn phòng công chứng Trường Sinh ký không có giấy tờ chính, ký hợp đồng đặt cọc để thể hiện hợp đồng mua bán mà hai nội dung của hai hợp đồng khác nhau là không đúng quy định của pháp luật.

Đến đây, mọi chuyện đã rõ và đâu là chứng cứ hợp pháp chắc bạn đọc đã có câu trả lời. Sắp tới đây, tính pháp lý của những hợp đồng liên quan đến việc mua bán nhà máy này sẽ được TAND tỉnh Quảng Trị xem xét, ra phán quyết một cách công minh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Một tài sản đem bán cho hai doanh nghiệp