Lễ Kỷ niệm 50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị

10/06/2023 22:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Việc chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, nâng cao giá trị biểu tượng của ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.

Chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị: Tầm nhìn chiến lược của Đảng - Ảnh 1.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng các đại biểu tham quan trưng bày tài liệu tại Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị (06/6/1973 - 06/6/2023). Ảnh VGP

Tối 10/6, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị (06/6/1973 - 06/6/2023) do Văn phòng Chính phủ phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức.

Cùng dự sự kiện có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, TP Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và tỉnh Quảng Trị.

Chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị: Tầm nhìn chiến lược của Đảng - Ảnh 2.

Đồng chí Lê Minh Khái thăm hỏi các đồng chí cán bộ lão thành. Ảnh VGP

Dấu mốc quan trọng trong hành trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Minh Khái cho biết, cách đây 50 năm, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chuyển trụ sở từ Tây Ninh ra vùng giải phóng Quảng Trị. Đây là một dấu mốc quan trọng trong hành trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Trong niềm tự hào, xúc động nhớ về những năm tháng hào hùng, sục sôi khí thế chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam; tiếp nối nhiều hoạt động có ý nghĩa như kỷ niệm 51 năm Ngày giải phóng Quảng Trị, 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta long trọng kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị (06/6/1973-06/6/2023).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Minh Khái gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể đồng chí, đồng bào lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị: Tầm nhìn chiến lược của Đảng - Ảnh 3.

Việc chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, nâng cao giá trị biểu tượng của ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Ảnh VGP

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, Quảng Trị - Lũy thép của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam, nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, "túi bom, chảo lửa", gồng mình gánh bao mưa bom, bão đạn, nơi biết bao người con trên mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc ta, đất nước ta.

Mỗi địa danh của Quảng Trị đều in dấu về ý chí quật cường, tinh thần yêu nước, về khát vọng tuổi trẻ, về sự hy sinh cao cả, về tình người, tình yêu thương và sự biết ơn vô hạn với thế hệ đi trước. Đó là Thành cổ, làng Vây, Khe Sanh, Cồn Cỏ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, địa đạo Vĩnh Mốc, Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn,…

Mỗi tấc đất, dòng sông, biển cả, núi non, nếp nhà, góc phố nơi đây đều thấm đẫm nỗi niềm, sự hy sinh của những người con "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" để chúng ta mãi mãi trân trọng và có trách nhiệm, điển hình như 4 câu thơ nổi tiếng được khắc trên bia đá hai bên bờ sông Thạch Hãn:

"Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm".

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, ngày 1/5/1972,Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, đã xóa đi giới tuyến chia cắt đất nước, nối liền với khu căn cứ cách mạng các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và vùng giải phóng Hạ Lào. Quảng Trị trở thành địa bàn quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt Trụ sở tại huyện Cam Lộ để tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam được thuận lợi hơn. Đây là quyết định mang tầm chiến lược của Đảng ta.

Đầu năm 1973, khi những chiếc tàu đầu tiên cập cảng Đông Hà, từ đường mòn Hồ Chí Minh và sân bay Tà Khống của nước bạn Lào mang theo vật liệu từ miền Bắc vào, quân và dân Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các đơn vị, khẩn trương triển khai xây dựng Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với quyết tâm cao nhất, chỉ chưa đầy 01 tháng, Trụ sở đã hoàn thành vào ngày 30/5/1973.

Ngày 06/6/1973, đúng nửa thế kỷ trước, tại nơi đây đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có buổi họp đầu tiên, đề ra nhiều quyết sách quan trọng. Sự kiện này đã đón nhận những tình cảm hân hoan, vui mừng của đồng bào, chiến sĩ cũng như của đại biểu 19quốc gia và đông đảo phóng viên báo chí quốc tế.

Trong khoảng 3 năm, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tham gia các phong trào, tổ chức tiến bộ trên thế giới; cử nhiều đoàn cấp cao thăm các nước, tham dự các hội nghị quốc tế; ra tuyên bố vạch trần âm mưu của Mỹ hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định Paris, không ngừng gây tội ác với người dân, đồng thời vận động các nước tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Tại đây đã đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, thiết lập quan hệ ngoại giao, tiếp Đại sứ các nước đến trình Quốc thư. Nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đã có mặt tại Trụ sở như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, đặc biệt là Chủ tịch Fidel Castro, vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm vùng giải phóng Quảng Trị với câu nói nổi tiếng "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!".

Việc chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, nâng cao giá trị biểu tượng của ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước; đồng thời, phát huy vai trò của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tăng cường vị thế chính trị trên trường quốc tế, đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng miền Nam Việt Nam.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã khẳng định đậm nét vai trò chính trị của mình trên trường quốc tế, có những đóng góp quan trọng, cùng quân và dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn và Tổng tuyển cử thống nhất 2 miền Nam Bắc.

Biến truyền thống hào hùng thành động lực để bứt phá, vươn lên

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của mảnh đất quê hương, trong những năm qua, bám sát thực tế với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế, với tầm nhìn chiến lược, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, quyết tâm vươn lên và đạt được những thành tựu vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chúng ta rất vui mừng trước sự đổi mới của Quảng Trị sau 51 năm vươn lên từ hoang tàn, đổ nát, hậu quả nặng nề của chiến tranh. Từ vùng đất "Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ, những đồi sim không đủ quả nuôi người..." được khắc họa trong lời thơ Chế Lan Viên - người con quê hương Cam Lộ, nay được thay bằng màu xanh ngút ngàn của cà phê, hồ tiêu, của dược liệu, của một khí thế mới, sức sống mới, niềm tin và hy vọng mới.

Kinh tế tăng trưởng nhanh; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; diện mạo đô thị và nông thôn đổi mới; các tiềm năng về công nghiệp, năng lượng, thương mại, dịch vụ và du lịch được phát huy mạnh mẽ; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố, tăng cường; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm…

Những địa danh nổi tiếng một thời khói lửa bởi chiến tranh, nay đang là điểm đến của du lịch hòa bình và hữu nghị. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi không ngừng được cải thiện.

Đặc biệt, Quảng Trị đã chú trọng tôn tạo, giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng; thực hiện tốt việc chăm sóc hương hồn của hơn 6 vạn anh hùng liệt sĩ, làm ấm lòng những gia đình trên khắp cả nước đang có người thân yên nghỉ tại mảnh đất linh thiêng này.

Đây là minh chứng rất rõ về một động lực phát triển mới đang hình thành, về cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc trên quê hương Quảng Trị; khẳng định rõ tầm vóc, vai trò quan trọng của Quảng Trị đối với sự phát triển của đất nước, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Theo đồng chí Lê Minh Khái, hướng về tương lai, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, quá khứ vinh quang, coi đây là động lực để Quảng Trị bứt phá, vươn lên, phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với công lao, sự hy sinh xương máu của các bậc tiền nhân và các thế hệ cha anh. Truyền thống lịch sử - văn hóa là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh, là nguồn lực nội sinh, là động lực phát triển trong hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam nói chung và của Quảng Trị nói riêng.

Đồng chí Lê Minh Khái bày tỏ: Chúng ta tin tưởng rằng, Quảng Trị sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khai thác tốt những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để Quảng Trị không chỉ biết đến là vùng đất dạn dày, gan góc,"ra ngõ gặp anh hùng", "vào nhà gặp dũng sĩ", mà còn là một Quảng Trị phát triển vượt bậc, toàn diện về mọi mặt, nhanh và bền vững.

Trong đó, tiếp tục quan tâm đầu tư, tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử cách mạng thành bảo tàng chứng tích chiến tranh sinh động và là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng.

Chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; thực hiện tốt việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; thay mặt cả nước chăm sóc chu đáo cho hàng vạn phần mộ liệt sĩ là con em của các địa phương trong cả nước; đẩy mạnh rà phá bom mìn, xử lý đất nhiễm độc, khắc phục hậu quả chiến tranh,…

Đồng chí Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước với tình cảm, sự sẻ chia sâu sắc và ý thức trách nhiệm trước những hy sinh, mất mát to lớn của quân và dân Quảng Trị trong chiến tranh, tiếp tục cổ vũ, hỗ trợ, đầu tư; tích cực ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, để "Quảng Trị mình cất cánh vút bay" như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trần Hoàn và có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Lê Minh Khái khẳng định: Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội luôn quan tâm, đồng hành, ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho Quảng Trị tiếp tục phát triển, để Quảng Trị xứng đáng với niềm tin yêu ấy.

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị, chúng ta càng thấm nhuần câu nói bất hủ đã trở thành chân lý mọi thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Chúng ta càng thêm trân trọng giá trị của hòa bình, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra".

Chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị: Tầm nhìn chiến lược của Đảng - Ảnh 4.

Chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị: Tầm nhìn chiến lược của Đảng - Ảnh 5.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng các đại biểu đã đến dân hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ. Ảnh VGP

Trước đó, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng các đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ Kỷ niệm 50 năm ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị