Mô hình “Dân vận khéo” trong giải quyết án dân sự, hành chính tại TAND tỉnh Quảng Trị

Mạnh Hùng| 19/07/2023 00:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.

fd0c640f-141e-4fb1-adab-222924de75a2.jpeg
Thẩm phán Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong quá trình cách mạng Việt Nam, từ đấu tranh giành độc lập dân tộc đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Thực hiện lời dạy của Người, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được kết quả đó là phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đang ngày càng lan tỏa, mang lại hiệu ứng tích cực cho quá trình phát triển đất nước.

Giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân

Theo Phó Chánh án Lê Thiết Hùng, thực tiễn cuộc sống của nhân dân cho thấy, để nhân dân hiểu, ủng hộ tham gia thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần thiết phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bằng cách thức phù hợp, hiệu quả, gắn với nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết thân của nhân dân. Do vậy, phong trào “Dân vận khéo” dần dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động nhân dân.

Đối với hoạt động xét xử của Tòa án, công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục, thuyết phục và phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Lời dạy của Bác đối với Tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn...” và “người cán bộ Tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân” vẫn luôn là sự chỉ đạo, dẫn đường cho công cuộc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Tòa án thân thiện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi công dân, tổ chức và cá nhân.

587ac1ef-17d7-483a-91d7-37fa746afbf7.jpeg
Thẩm phán Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị trao đổi với phóng viên Báo Công lý

Trong giai đoạn hiện nay, các tranh chấp dân sự ngày một gia tăng với tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp, thậm chí có những loại án mới, chưa có tiền lệ, chưa có luật điều chỉnh thì việc hòa giải, đối thoại thành còn là một giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc cho hệ thống Tòa án nhân dân trong giải quyết các loại án, qua đó góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, công tác dân vận trong hoạt động xét xử, giải quyết các loại án của Tòa án là vô cùng quan trọng và cần thiết.

TAND tỉnh có 39 cán bộ, công chức và người lao động với 9 Thẩm phán, 7 Thẩm tra viên, 15 Thư ký và người lao động khác.

Thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, Đảng bộ TAND tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình giúp hòa giải hiệu quả. Chi bộ Tòa Dân sự có mô hình “Vận động các đương sự nêu cao thiện chí hòa giải trong các vụ án tranh chấp đất đai”, mô hình “Tăng cường công tác hòa giải trong việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình”; Chi bộ Văn phòng có mô hình: “Tăng cường Hòa giải đối thoại tại Tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”; Chi bộ Tòa Hình sự - Hành chính có mô hình “Tăng cường đối thoại trong giải quyết án hành chính”.

Mỗi mô hình có những cách thức triển khai riêng để phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị.Với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, TAND tỉnh Quảng Trị đã vận dụng phương thức “dân vận” trong quá trình thực hiện công tác hòa giải, đối thoại đối với những vụ án dân sự, Hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính… để nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, nhằm giảm số lượng vụ án phải đưa ra xét xử, hạn chế tối đa những mâu thuẫn, căng thẳng giữa các chủ thể tranh chấp.

Triển khai thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Theo Phó Chánh án Lê Thiết Hùng, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, đã tạo ra một cơ chế hòa giải, đối thoại mới để người dân lựa chọn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án.

Trong quá trình thực hiện công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án, TAND tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn những Hoà giải viên đủ tiêu chuẩn, có sức khoẻ, có năng lực và các quy trình bổ nhiệm đúng quy định của pháp luật. Cho đến nay, Chánh án TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã bổ nhiệm 21 hòa giải viên (đạt 70% trong tổng số lượng định biên của TAND hai cấp là 30 người).

73ba5b63-e627-4efd-9e59-d7d8537dc4b8.jpeg
Thẩm phán Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị cùng Thư ký Tòa án chụp ảnh cùng các đương sự sau khi hoà giải thành công vụ án dân sự

Thực hiện Chỉ thị số 02/2022/CT-TA, TAND tỉnh Quảng Trị đã xác định việc tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình. Trong năm qua, đội ngũ Hòa giải viên thuộc TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã được quan tâm xây dựng, bảo đảm về số lượng, đúng cơ cấu, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, chất lượng các Hoà giải viên đảm bảo đúng với tiêu chuẩn và quy định của Luật hoà giải, đối thoại tại Tòa án cũng như các văn bản luật điều chỉnh.

Điều này góp phần đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh việc chú trọng xây dựng đội ngũ Hòa giải viên về số lượng và chất lượng, lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng các phiên hòa giải, bảo đảm cơ sở vật chất cần thiết cho các Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ.

Để hòa giải thành, Hòa giải viên không những có hiểu biết pháp luật và chuyên môn sâu, mà còn cần có tấm lòng nhân ái và thiện tâm. Tất cả các vụ án hòa giải thành đều có phương pháp “Dân vận khéo” ở trong đó. Đó là phương pháp vận động, chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, vị tha, chia sẻ, cảm thông của các bên tranh chấp, từ đó có được sự thành công.

Năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận được 967 vụ, việc, đơn khiếu kiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đã chuyển sang hòa giải, đối thoại 577 trường hợp (Tòa án cấp tỉnh: 04 vụ việc; Tòa án cấp huyện 573 trường hợp). Tổng số vụ hòa giải, đối thoại thành 418 vụ, việc chiếm 72% (Tòa án cấp tỉnh 01 vụ, Tòa án cấp huyện 417 vụ).

Trong 9 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp đã tiếp nhận được 1.158 vụ, việc, đơn khiếu kiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;đã chuyển sang hòa giải, đối thoại 263 trường hợp; hòa giải, đối thoại thành 161 vụ, việc, chiếm 61,2%.

Theo Phó Chánh án Lê Thiết Hùng, nhìn chung, Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Trị đã rất chú trọng đến công tác hòa giải đối thoại tại Tòa án theo Chỉ thị số 02/2022/CT-TA của Chánh án TAND. Việc chuyển các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính sang hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, giúp các bên tìm được tiếng nói chung trong việc tìm ra phương hướng giải quyết. Hơn nữa, sự tham gia của Hòa giải viên vào quá trình hòa giải, đối thoại đã góp phần làm giảm tải khối lượng công việc cho các thẩm phán.

Luôn nêu cao tinh thần kiên trì, tôn trọng sự tự nguyện của các bên

Ngoài ra, trong suốt quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính, dân sự nói chung, Thẩm phán luôn nêu cao tinh thần kiên trì, gần gũi, tôn trọng sự tự nguyện của các bên liên quan, dành thời gian phù hợp cho các bên đương sự trình bày rõ quan điểm của mình, giải thích vụ việc tranh chấp một cách có lý, có tình trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các bên đương sự thương lượng, tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng nhằm giải quyết vụ án.

Năm 2022, TAND hai cấp đã hòa giải 593 vụ/1.184 vụ việc dân sự theo thủ tục tố tụng, đạt tỷ lệ 31,4%; đối thoại thành 19 vụ/54 vụ giải quyết, đạt tỷ lệ 35,2%.

Cũng Theo Phó Chánh án Lê Thiết Hùng, trong 9 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp đã hòa giải 598 vụ/1.503 vụ giải quyết, đạt tỷ lệ 40%; đối thoại thành 3 vụ/12 vụ giải quyết, đạt tỷ lệ 25%. Đặc biệt, các Thẩm phán Tòa án tỉnh Quảng Trị đã hòa giải thành hơn chục vụ án dân sự tranh chấp đất đai, chia tài sản chung và di sản thừa kế phức tạp. Sau hòa giải các đương sự đã giải quyết được mâu thuẫn, điều đặc biệt là đã ngăn chặn từ xa những khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, tạo niềm tin người dân vào hoạt động xét xử của Tòa án.

Quá trình giải quyết án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án luôn xây dựng kế hoạch làm việc chủ động, khoa học, nghiên cứu kỹ từng tình tiết của vụ án để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các bên đương sự. Với vai trò là trung gian, Thẩm phán giải thích rõ các quy định của pháp luật khi thực hiện thủ tục hòa giải, giúp người dân hiểu rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của mình.

Điển hình là vụ án “Yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu, chia di sản thừa kế” tại huyện Gio Linh giữa nguyên đơn T. X. H, T. T. G với bị đơn T. Đ. M. Đây là tranh chấp xảy ra giữa các anh em trong gia đình, số lượng đương sự đông và rất căng thẳng, gay gắt. Tuy nhiên, bằng kỹ năng dân vận của mình, Thẩm phán đã giải thích cho các đương sự hiểu và tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vụ án, thừa thấu tình, vừa đạt lý.

Thấm nhuần lời dạy của Bác đối với ngành Tòa án: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn...” và “người cán bộ Tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”. Mỗi cán bộ, Thẩm phán, Thư ký Toà án không ngừng trau dồi kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, trăn trở, nghiên cứu để tìm ra cách hoà giải thấu tình đạt lý để hạn chế xét xử. Từ đó đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết án, thực hiện tốt phong trào “dân vận khéo” trong xét xử tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Trị.

Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2022 Đảng uỷ TAND tỉnh vinh dự được BTV Đảng uỷ Khối tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các mô hình Dân vận khéo”.

Có thể nói công tác dân vận của Tòa án nói chung và kỹ năng “Dân vận khéo” của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án là chìa khóa mở ra khả năng hòa giải thành các vụ việc dân sự, hành chính, giúp Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xét xử.

Được biết thời gian tới, TAND tỉnh sẽ tăng cường chú trọng hơn nữa công tác hòa giải, đối thoại nhằm tăng tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành để hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, tăng cường khối đại đoàn kết trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình “Dân vận khéo” trong giải quyết án dân sự, hành chính tại TAND tỉnh Quảng Trị