Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Khắc phục khoảng trống trong tố tụng hình sự

Quốc Huy| 30/10/2019 18:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 29/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Vướng mắc trong tố tụng hình sự

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ về nội dung này.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Việc ban hành Luật này là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của nhà nước, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, quá trình tổ chức thực hiện Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và BLHS 2015 đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1/7/2018; nếu đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành hình phạt còn lại; nếu đã kết án mà chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Khắc phục khoảng trống trong tố tụng hình sự

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thực tiễn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ trước đến nay cho thấy đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đa phần đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tượng tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu; các loại vũ khí đối tượng sử dụng (súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải…) có tính sát thương cao, khi sử dụng thực hiện tội phạm với mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Những hành vi này nếu không khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải trả tự do, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại cho các đối tượng này sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội; không đảm bảo tính răn đe nghiêm minh của pháp luật. Không loại trừ các đối tượng phản động sẽ lợi dụng sơ hở pháp luật tiến hành chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng để hoạt động lật đổ chính quyền, khủng bố, gây bạo loạn vũ trang làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của đất nước.

Làm rõ thêm căn cứ pháp lý

Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, từ khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 230 vụ, 321 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng,. Trong số này, có 11 vụ, 13 đối tượng phải đình chỉ khởi tố vụ án; 19 vụ, 32 đối tượng đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt, chưa chấp hành hình phạt, đang hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà được miễn chấp hành hình phạt còn lại; 104 vụ, 157 đối tượng đã khởi tố, điều tra (tuy có sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nhưng khởi tố với tội danh khác như: giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng...); 96 vụ, 119 đối tượng xử phạt hành chính.

Vì vậy, để kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc trên, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, ổn định của đất nước và bảo đảm trật tự an toàn xã hội thì việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay, kịp thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thì trước mắt trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật số 14/2017/QH14. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn căn cứ pháp lý (như các quy định liên quan trong Luật số 14/2017/QH14, thiết kế Danh mục vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng một cách khoa học, hợp lý nhất) để xử lý hình sự đối với các hành vi này và nghiên cứu, sớm báo cáo Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung Điều 304 của Bộ luật Hình sự như các ý kiến nêu trên.

Quá trình thẩm tra, một số ý kiến cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 tạo mâu thuẫn với các quy định trong Luật số 14/2017/QH14 và vẫn mâu thuẫn với quy định của BLHS 2015, do đó Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thống nhất với quy định tại các điều ước quốc tế liên quan đến vũ khí quân dụng mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Khắc phục khoảng trống trong tố tụng hình sự