Ngày 4/4, các tổ chức phi chính phủ đã gửi Thư kiến nghị đến Quốc Hội và các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ trong việc điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia.
Thư cũng thể hiện rõ mong muốn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội chấp nhận những đề xuất sửa đổi nội dung giá tính thuế trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật quản lý thuế của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 quốc hội khóa XIII.
Đồng thời kiến nghị tiếp tục nghiên cứu sớm tăng thuế thuốc lá, rượu bia để phù hợp với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới mà Việt Nam cam kết.
Các tổ chức phi chính phủ cho rằng, các điều chỉnh giá tính thuế TTĐB sẽ giúp tăng cường tính minh bạch trong xác định mối quan hệ của doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh, giảm nguy cơ lợi dụng của các doanh nghiệp sản xuất tự thành lập các cơ sở thương mại là công ty con để chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại nhằm giảm giá tính thuế TTĐB, gây thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Các chuyên gia phủ khẳng định giá thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam quá rẻ
Với những thay đổi về giá tính thuế trong Nghị định 108, dự kiến giá bán lẻ của sản phẩm thuốc lá, rượu bia sẽ tăng thêm từ 2%-7%, điều này sẽ trực tiếp làm tăng thu ngân sách và có tác động theo hướng giảm nhu cầu sử dụngthuốc lá và rượu bia hiện nay.
Theo các chuyên gia, giá thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam hiện quá rẻ và thuế suất thuế TTĐB còn quá thấp so với mức kiến nghị của giới khoa học Y tế Công cộng. Với mức thuế suất thuế TTĐB của thuốc lá điếu tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB 2014 (tăng từ 65% lên 70% từ 1/1/2016 và từ 70% lên 75% từ 1/1/2019) chỉ làm cho giá bán lẻ tăng được khoảng 2.9% tại thời điểm tăng thuế vào năm 2016 và 2.8% vào năm 2019; và chỉ ở mức dưới 1% trung bình cho cả giai đoạn 2015 đến 2020 sau khi đã trừ yếu tố lạm phát.
Trong khi đó mức tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam ước tính trung bình là 5%/năm. Điều đó cho thấy trong những năm tới giá (thực) của thuốc lá sẽ tiếp tục rẻ đi. Điều tương tự sẽ diễn ra với các sản phẩm rượu bia. Đó là điều đáng tiếc cho cả ngân sách và các mục tiêu y tế công cộng ở Việt Nam, vì nó không có tác động làm giảm xu hướng gia tăng tiêu dùng thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam.
“Các nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tăng thuế sẽ góp phần làm giảm số người hút thuốc lá. Ở Thái Lan, việc tăng thuế TTĐB từ 60% (1994) lên 85% (2009) đã góp phần làm giảm số lượng người hút thuốc lá từ 12,5 triệu (1996) xuống 10,9 triệu (2009). Tương tự với Brazil, khi việc tăng thuế giúp giảm người hút thuốc từ 21,35 triệu (2006) xuống 17,1 triệu (2013).
Theo Ngân hàng Thế giới, trung bình tăng giá 10% sẽ làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm thuốc lá đi khoảng 4% ở các nước thu nhập cao và khoảng 8% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”- Ts.Bs. Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng-RTCCD, Trưởng Ban thường trực hành động Liên minh vận động chính sách Y tế dựa trên bằng chứng khoa học- EBHPD, chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng thuốc lá, rượu bia giá rẻ là nguyên nhân số 1 gây nên “nạn dịch” hút thuốc lá rượu bia tại Việt Nam
Còn Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Health Bridge Việt Nam cho biết, thuốc lá, rượu bia giá rẻ là nguyên nhân số 1 gây nên “nạn dịch” hút thuốc lá rượu bia tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng nông thôn dẫn đến những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội đã được cảnh báo và đang diễn ra.
Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia đứng thứ nhất ở ASEAN và thứ 3 tại châu Á. Sử dụng rượu, bia gây ra 5,7% tổng số ca tử vong, 4,7% tổng gánh nặng bệnh tật tính bằng DALY của Việt Nam và tỷ lệ tiền chi từ túi hộ gia đình trên tổng số chi y tế lên tới 49% năm vào năm 2010.
Theo kết quả Điều tra quốc gia về hút thuốc ở người trưởng thành năm 2010, tỷ lệ hiện hút thuốc lá (gồm cả thuốc lào) trong số những người từ 15 tuổi trở lên là 47,4% ở nam giới và 1,4% ở nữ giới. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới với khoảng 15,3 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc lá của thanh thiếu niên Việt Nam vẫn ở mức cao và độ tuổi bắt đầu hút thuốc lá ngày càng trẻ.
Ước tính hút thuốc lá gây ra 16,9% tổng số ca tử vong tương đương 74.710 ca tử vong và 8,8% tổng gánh nặng bệnh tật tính bằng DALY, chủ yếu là do các bệnh không lây nhiễm (chiếm 97% tổng tử vong và 94% tổng số)”.
Theo GS.TS. Lê Vũ Anh, Chủ tịch Hội y tế công cộng Việt Nam, khoản chi phí y tế cho 5 nhóm bệnh liên quan đến hút thuốc là (ung thư phổi, tai biến mạch máu não, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư điều hô hấp và tiêu hóa riêng năm 2011 lên đến 23.139,3 tỷ đồng, bằng 0,91% tổng GDP; 5,07% chi cho y tế, là “báo động đỏ” về gánh nặng ngân sách cần được ngăn chặn bằng những công cụ hữu hiệu như thuế TTĐB.