Khát khao thoát khỏi nghèo đói, Chương quyết định chọn ngành kinh tế tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp với tấm bằng đại học loại ưu, nhưng gần chục năm vất vưởng mà không tìm được việc làm tử tế, gã quyết định quay về quê làm “nghề”…lừa đảo.
Vượt lên sự nghèo đói, Trần Hồng Chương (ở thị trấn Can Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cầm trên tay tới 3 giấy báo của 3 trường đại học là Đại học Tổng hợp, Giao thông vận tải và Thể dục thể thao với tâm trạng vừa vui mừng, hạnh phúc vừa phân vân không biết lựa chọn trường nào. Được sự tư vấn của gia đình, Chương quyết định chọn ngành kinh tế tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bởi với suy nghĩ của Chương và gia đình muốn nhanh chóng thoát nghèo, chẳng gì bằng học kinh tế.
Gia đình nghèo khó, ăn còn bữa đói bữa no nên suốt những năm tháng đại học, Chương phải tự bươn chải để lo cuộc sống. Ngoài giờ học trên lớp, cậu sinh viên nghèo khi thì lăn lộn trên công trường xây dựng để phụ hồ, khi thì ôm chiếc bơm ra đầu đường vá xe…Đêm đến, cậu lại vùi đầu vào sách vở và kết quả cho sự chăm chỉ, miệt mài đó là tấm bằng đại học loại ưu sau khi tốt nghiệp.
Háo hức với tấm bằng đại học trong tay, Chương gõ cửa khắp các cơ quan để xin việc nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu hoặc hứa hẹn chung chung. Sau 6 năm lang thang ở Hà Nội với hàng chục công việc tạm bợ, năm 2000 Chương quyết định trở về quê. Loay hoay mãi cũng không xin được việc, Chương quyết định chọn con đường thoát nghèo bằng nghề…lừa đảo.
Tháng 5/2000, Trần Hồng Chương giả danh cán bộ của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) mở văn phòng mạo danh đại diện khu vực miền Trung ở thị xã Hà Tĩnh (thuộc Trung tâm thông tin thương mại- Bộ Thương mại) để lừa đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Do đã từng làm thuê ở một Trung tâm chuyên đưa người đi xuất khẩu lao động nên anh ta có khá nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Mỗi một người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Chương thu từ 3.800 đến 4.100 USD/người. Vì không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động bằng con đường chính ngạch, Chương và đồng bọn đưa người xuất khẩu lao động qua Camphuchia, sau đó xuất cảnh sang Hàn Quốc, Đài Loan. Bằng thủ đoạn này, chỉ trong hơn nửa năm, Chương đã lừa 38 người đi xuất khẩu lao động, thu lời bất chính 76.138 USD và 540.600.000 đồng.
Từ một sinh viên giỏi Trần Hồng Chương trở thành kẻ lừa đảo để thoát nghèo
Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, hành vi của Chương đã bị phát giác và anh ta phải lĩnh 24 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.
Những ngày đầu “nhập trại”, hầu như Chương thức trắng đêm, nỗi ân hận luôn giày vò tâm can. Chỉ vì lòng tham mà Chương đã dập tắt đi hy vọng của cha mẹ, dập tắt chính tương lai của mình. Công sức bao năm rèn giũa trên giảng đường đã đổ xuống sông xuống bể. Đời người chỉ có mấy mươi năm nhưng Chương đã phải chôn vùi 24 năm cuộc đời sau song sắt.
Nghĩ đến điều đó, trong lòng Chương lại nhói lên đau đớn, xót xa. Giá như Chương không tham lam, giá như Chương không lóa mắt vì đồng tiền, giá như… Hai chữ "giá như.." đó mãi mãi muộn màng với cuộc đời của Chương.
Khi màn đêm buông xuống, các bạn tù chìm trong giấc ngủ, Chương lại miên man nhớ về quá khứ, nhớ về tình yêu thơ dại, trong sáng, si mê với người bạn gái gần nhà.
Dù có tới 2 đời vợ nhưng trong lòng người đàn ông đa tình này luôn đau đáu với mối tình đầu dang dở. Chương tâm sự, hai người yêu nhau từ thời phổ thông, cả hai hứa hẹn khi Chương ra trường sẽ làm đám cưới, nhưng khi Chương vừa học năm thứ 3 thì người yêu đi lấy chồng dù trong lòng vẫn còn yêu Chương tha thiết. Tuy nhiên, người yêu của Chương đã lấy phải một người chồng nghiện và qua đời sau đó không lâu.
Khi chồng chết, cô gái ấy quyết định sang Nga xuất khẩu lao động để quên đi quá khứ đau buồn. Người yêu thiếu tiền, Chương cũng xoay sở đưa cho 100 triệu đồng để cô hiện thực hóa giấc mơ của mình. Chương cứ nghĩ rằng, ở bên trời tây người yêu sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng khi đang ở trong trại giam, Chương nhận được tin cô gái lâm bệnh rồi qua đời. Thương xót người yêu xấu số, sau một đêm rút hết tâm can, Chương sáng tác bài thơ tặng người yêu quá cố:
“Thảo ơi em đã hết rồi
Cuộc đời êm đẹp đã buông trôi
Sao em vội vã về bên ấy
Bỏ lại mình tôi giữa cuộc đời
Thương em thân gái ngàn đau khổ
Bất hạnh đớn đau những dại khờ
Đời người mấy nỗi mà đau xót
Em hỡi còn đâu mà đợi chờ..."