Chuyên gia mách mẹ cách chăm sóc trẻ để ngày xuân trọn vẹn

Huy Hoàng| 15/02/2018 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày Tết là dịp vui vầy, có thêm tiếng cười của trẻ nhỏ thường ấm áp và hạnh phúc đầy đủ hơn. Tuy nhiên các bậc phụ huynh hãy luôn lưu ý chăm sóc các bé một cách khoa học và toàn diện.

Tết cũng như những dịp nghỉ lễ khác, các bé được ở nhà, không phải tới lớp, cha mẹ vừa phải trông chừng bé, vừa phải lo nhiều thứ. Phải làm sao để duy trì các thói quen tốt cho bé là cả một sự cố gắng nỗ lực của các bậc phụ huynh. Bởi chỉ khi đảm bảo được chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học hợp lý, các bé mới luôn có sức khỏe tốt nhất.

BS Lê Thị Hồng Hanh - Phó Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong dịp Tết thông thường trẻ hay được cha mẹ cho về quê, hoặc đi du lịch, có khi được ăn những thức ăn để lâu trong tủ lạnh thường sẽ gây một số bệnh lý về đường tiêu hóa như đi ngoài hoặc bị ngộ độc thức ăn. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho con, các gia đình đảm bảo chế độ ăn uống như những ngày bình thường.

BS Hạnh cũng chia sẻ, cha mẹ đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, ngoài việc cho trẻ ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, cũng cần bổ sung vitamin hoặc những chất khoáng có tác dụng tăng sức đề kháng cho trẻ. Có những trẻ bị thiếu dinh dưỡng ngay trong những ngày Tết, sẽ làm giảm sức đề kháng của trẻ, nhiễm bệnh lý về đường hô hấp. 

Chuyên gia mách mẹ cách chăm sóc trẻ để ngày xuân trọn vẹn

Ngoài dinh dưỡng thì vui chơi cũng là một trong những điều bố mẹ cần quan tâm khi trẻ nghỉ Tết. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ngày Tết, nhà nào cũng có mứt kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có gas và các loại hạt: dưa, hướng dương... Nếu trẻ uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều bánh ngọt trước hoặc trong khi ăn sẽ dẫn tới trẻ có cảm giác no tới bữa không ăn hoặc chán ăn.

Hạt dưa, hạt bí và một số loại hạt khác dễ bị hư hỏng, mốc; mứt và bánh kẹo trôi nổi trên thị trường, không rõ nhãn mác, xuất xứ không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ cần hạn chế trẻ ăn uống những thực phẩm trên.

"Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải để ý đến giấc ngủ của trẻ. Đảm bảo trẻ được ngủ đủ số tiếng cần thiết trong ngày để duy trì thể trạng khỏe mạnh trong suốt những ngày Tết", BS Hạnh lưu ý.

Phong tục ngày Tết, con cháu thường đi chúc Tết ông bà, cô bác, họ hàng,... việc đi lại trong ngày rất có thể làm đảo lộn giờ giấc sinh hoạt của trẻ. Vì vậy, các bà mẹ cần chủ động, quan tâm chăm lo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ như một số món ăn chế biến nhanh như cháo, súp, bún, miến cho bé ăn giữa cuộc dạo chơi. Bên cạnh đó, cần lưu ý giữ ấm cho trẻ khi di chuyển phù hợp với thời tiết. Khi phải đi xa cần chuẩn bị quần áo đề phòng thời tiết thay đổi đột ngột, nóng quá hoặc lạnh quá.

Sau tết, ngoài những bệnh về đường tiêu hóa, khi trẻ đi xa về, do thay đổi về thời tiết, khí hậu, đi đường, nhiều trẻ dễ bị nhiễm siêu vi hơn. Đối với trẻ có bệnh lý đặc biệt cần theo dõi định kỳ như tim bẩm sinh, hội chứng thận hư… phải luôn tuân thủ lịch tái khám và qui trình dùng thuốc đầy đủ, không được vì lý do này hay lý do khác làm chậm trễ việc điều trị cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia mách mẹ cách chăm sóc trẻ để ngày xuân trọn vẹn