Dịp Tết Nguyên đán, hầu hết mọi người sẽ có những ngày ăn nghỉ “thả phanh”. Tuy nhiên, cần phải có một chế độ dinh dưỡng như thế nào để có những ngày Tết vui khỏe là điều không phải ai cũng tỏ tường.
Để mỗi dịp Tết đến, xuân về thực sự có ý nghĩa cả về mặt thể chất và tinh thần thì mỗi chúng ta cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình.
Dịp Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm hơn, do đó nhu cầu năng lượng về cơ bản ít hơn so với ngày thường. Nhưng trên thực tế, việc cung cấp năng luợng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, chế độ ăn nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng tái phát bệnh mạn tính.
Nên chú ý chế độ dinh dưỡng trong dịp Tết. Ảnh minh họa
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, muốn cân đối các món ăn trong ngày Tết phải chú ý đến văn hóa ẩm thực Việt Nam trong những ngày tết cổ truyền, đó là phối hợp ăn uống cho hợp lý.
Chẳng hạn ăn bánh chưng, bánh tét phải kèm theo dưa hành bởi các loại bánh này rất giàu năng lượng. Do đó, ở người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị… không nên dùng nhiều bánh chưng, bánh tét.
Phải ăn theo mức độ vừa phải nhưng lưu ý ăn thêm các món cá nấu, cá kho. Ngoài ra, nên ăn xen kẽ các bữa bằng rau. Như vậy sẽ đảm bảo cân đối hơn đỡ dư thừa năng lượng. Đối với người trưởng thành ăn 200 gam rau xanh 1 bữa. Đối với trẻ, bố mẹ nên duy trì 4 nhóm thực phẩm như: tinh bột, rau xanh, đạm, chất béo.
Theo bà Lâm, trong những ngày Tết, người dân có thói quen dự trữ thức ăn có thể gây ngộ độc. Thức ăn để lâu trong tủ lạnh lâu dễ gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, thức ăn để trong tủ lạnh khi đưa ra chế biến, phải nấu chín kỹ.
“Thực phẩm thường được dự trữ, chế biến với số lượng lớn, sử dụng trong thời gian dài ngày, việc hâm đi hâm lại thức ăn cũ, thức ăn nhanh bị ôi thiu, chua, hỏng trong thời tiết nóng bức ngày tết, tiếc “ăn mót” trái cây chưng trên bàn thờ suốt những ngày tết… càng làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình”, PGS Lâm nói.
Bên cạnh đó, cần phải lưu tâm tới đồ uống, trong ngày Tết bia rượu rất thông dụng, phải uống với một lượng vừa phải, theo khuyến cáo không nên uống quá 30gam etanol trong một ngày, tương đương với, tương đương 60ml rượu mạnh như rượu Whisky, hoặc tương đương với 300ml rượu vang, 720ml bia. Nên tránh tình trạng lạm dụng rượu trong ngày Tết ảnh hưởng tới sức khỏe như kích ứng dạ dày.
Ngoài ra, các loại bánh kẹo ngọt, mứt tết, bánh nếp… rất nhiều chất đường dễ dàng sinh ra mụn nhọt dù là trên cơ địa “mát mẻ”. Tình trạng táo bón làm cho chất cặn bã, chất độc trong cơ thể không được thãi ra ngoài và thậm chí còn bị hấp thu trở lại càng làm tăng nguy cơ nổi mụn. Thiếu rau xanh và trái cây tươi còn làm ảnh hưởng lượng vitamin C cung cấp cho cơ thể và làm làn da kém tươi sáng mịn màng hơn.