Sức Khỏe

Vụ ngộ độc ở Đồng Nai: Phát hiện vi khuẩn Salmonella trong bệnh phẩm trẻ em

Diệu Ly 07/05/2024 - 06:00

Kết quả xét nghiệm cho thấy vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc bánh mì tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, khiến hơn 560 người nhập viện.

Tối 6/5, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. HCM), kết quả xét nghiệm mẫu phân của một bệnh nhi 14 tuổi, nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng ở Đồng Nai, đã cho thấy dương tính với vi khuẩn Salmonella.

l-1.jpg
Ngộ độc Salmonella có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất nước nặng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy phân lỏng xanh. Sau khi được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, bệnh nhi đã được điều trị bằng kháng sinh và các thuốc hỗ trợ. Hiện tại, các triệu chứng của bệnh nhi đã thuyên giảm.

Được biết, Salmonella là một loại vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy, thường xuất hiện qua đường ăn uống. Khi xâm nhập vào cơ thể, Salmonella sẽ sinh ra độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngộ độc Salmonella có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất nước nặng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngộ độc Salmonella do hệ miễn dịch của họ còn yếu.

Vi khuẩn Salmonella thường có mặt trong thịt gia súc, gia cầm sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm qua rau củ quả chưa được rửa sạch hoặc sữa chưa được tiệt trùng.

l-2.jpg
Tính đến nay, hơn 200 bệnh nhân đã xuất viện, 119 trường hợp theo dõi điều trị tại nhà, 12 ca nặng phải chuyển viện.

Để phòng ngừa ngộ độc Salmonella, người dân cần lưu ý: Ăn chín uống sôi, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản; Rửa sạch tay trước khi chế biến và ăn uống; Rửa sạch rau củ quả trước khi ăn; Bảo quản thực phẩm đúng cách.

Liên quan đến vụ ngộ độc, trước đó, bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm máu của ba bệnh nhi chuyển nặng điều trị tại Đồng Nai cho thấy các em bị nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống...

So với Ecoli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn, nhưng cũng có trường hợp sau 4-5 ngày. Khuẩn Salmonella cũng là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một trẻ tử vong, hồi năm 2022.

Tính đến hôm nay, số người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở TP Long Khánh tăng lên 560. Trong đó, hơn 200 bệnh nhân đã xuất viện, 119 trường hợp theo dõi điều trị tại nhà, 12 ca nặng phải chuyển viện.

Ca nặng nhất là bé trai 6 tuổi điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, đang thở máy, lọc máu, vận mạch. Một trường hợp nặng khác là bệnh nhi 7 tuổi, điều trị Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện sức khỏe tiến triển hơn.

Dự kiến hôm nay sẽ có kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm thu tại tiệm bánh mì này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ ngộ độc ở Đồng Nai: Phát hiện vi khuẩn Salmonella trong bệnh phẩm trẻ em