Phát triển sản phẩm du lịch không thể "quên" văn hóa truyền thống

Huy Hùng| 26/05/2016 10:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm phân tích rõ hơn về sự cần thiết phải gìn giữ văn hóa Việt và doanh nghiệp cần vào cuộc nhân rộng mô hình này hơn nữa.

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 25-5.

Đến dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí  - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam; Hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao – Nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương cùng đại diện lãnh đạo nhiều công ty du lịch, lữ hành Hà Nội.

Phát triển sản phẩm du lịch không thể

Tọa đàm trực tuyến “Xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống” 

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm phân tích rõ hơn về sự cần thiết phải gìn giữ văn hóa Việt và doanh nghiệp cần vào cuộc nhân rộng mô hình này hơn nữa.

Qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn có thể tìm kiếm được mô hình văn hoá đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong nhận thức của quốc tế về hình ảnh Việt Nam; đồng thời góp phần giáo dục, xây dựng tinh thần coi trọng và gìn giữ văn hoá truyền thống trong mọi thế hệ người Việt.

Với kết cấu hai phần: Thực trạng việc bảo tồn văn hóa truyền thống, việc cần thiết phải xây dựng sản phẩm văn hóa qua mô hình du lịch và Giải pháp, kiến nghị nhằm nhân rộng mô hình du lịch kết hợp bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống. Buổi Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia và các nhà quản lý về văn hóa.

Ông Nguyễn Phúc Lưu – Phó Giám đốc Văn phòng Trung tâm UNESCO cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận 6 di sản văn hóa vật thể và 9 di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay cũng có hàng ngàn di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp thành phố được công nhận.

Ông Nguyễn Phúc Lưu cũng cho rằng: "Hiện nay, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang thiếu các khu giới thiệu và truyền bá các giá trị di sản văn hóa. Chính vì vậy chúng ta cần phải khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đầu tư vào các không gian truyền bá các giá trị di sản văn hóa để đón tiếp du khách quốc tế nói chung và du khách là các thế hệ con người Việt Nam nói riêng".

Ông Nguyễn Phúc Lưu hoan nghênh các mô hình phát triển du lịch văn hóa của các doanh nghiệp như: Khu du lịch Nắng Sông Hồng, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam…

Ông Ngô Quỳnh Giao, nguyên giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam nêu quan điểm, ở Hà Nội hiện có quá ít nếu không nói là hiếm hoi DN tiến hành kinh doanh du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống. Khu Du lịch sinh thái Nắng Sông Hồng là một trong số ít DN xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với yếu tố văn hóa truyền thống song hiện cũng đang gặp những khó khăn nhất định.

Nói về mô hình hoạt động còn du lịch khá hiếm hoi này, ông Ngô Quỳnh Giao cho rằng, Nắng Sông Hồng là DN tư nhân duy nhất ở Hà Nội xây dựng được sản phẩm du lịch là tour biểu diễn múa rối nước với sân khẩu thủy đình hoành tráng phục vụ cho du khách, được yêu thích và đánh giá cao.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cũng chung nhận định với nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Việt Nam khi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ và nhân rộng mô hình kinh doanh du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống như Khu Sinh thái Nắng Sông Hồng bởi đây là nơi sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc, là nơi người dân thủ đô vui chơi cuối tuần và trải nghiệm các giá trị văn hóa đặc sắc vùng đồng bằng sông Hồng.

Phát triển sản phẩm du lịch không thể

Sân khấu thủy đình tại Khu sinh thái Nắng Sông Hồng

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản- Ban tuyên giáo Trung ương cho rằng, Nắng Sông Hồng là khu sinh thái mang giá trị văn hóa hiếm hoi giữa thủ đô Hà Nội ngột ngạt, nhưng để những cơ sở như hiện tại phát triển đúng định hướng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tháo gỡ khó khăn để cho kinh tế tư nhân làm ăn chân chính có điều kiện phát triển.

Tuy nhiên về phía DN, ông Hoàng Hải, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Nắng Sông Hồng cũng nêu lên những khó khăn nhất định khi tiến hành mô hình du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống. Vị Giám đốc này cho rằng, để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch gắn với yếu tố văn hóa, cần những con người am hiểu, có kiến thức, hiểu biết các giá trị văn hóa, lịch sử trong khi đó, lực lượng nhân lực am hiểu các giá trị này lại chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Đó còn chưa kể, ông Hải thông tin, để phát triển du lịch gắn văn hóa cần phải xây dựng được những không gian văn hóa đủ lớn ví như sân  khấu thủy đình phục vụ cho loại hình nghệ thuật múa rối nước nên cần đầu tư lớn về kinh phí, không gian.

Cũng theo ông Hải, hiện ông đang nung nấu ý tưởng phục dựng lại nghi lễ vinh quy bái tổ truyền thống tại khu sinh thái. Để thực hiện nghi lễ này cần đến gần 100 người tham gia, những đạo cụ, hỗ trợ cũng như cần không gian lớn để lễ hội diễn ra, nhưng hiện còn nhiều khó khăn về vấn đề đầu tư nghiên cứu, chi phí, thủ tục hành chính.

Cuối cùng, khi bàn về giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: "Muốn bảo tồn văn hóa truyền thống cần phải có bản lĩnh văn hóa Việt. Bản lĩnh văn hoá Việt gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điều đó cho thấy chúng ta cần xây dựng bản lĩnh văn hoá trên cơ sở khơi gợi cho các thế hệ tiếp nối hiểu rõ những giá trị truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản phẩm du lịch không thể "quên" văn hóa truyền thống